Cậu Bảo (Truyện ngắn của Việt Hà)

Truyện ngắn này của tôi được đăng trên báo Tiền phong chủ nhật năm 2000.
---

Người đàn bà khuôn mặt dày và nặng, dáng người to cao, thô kệch như một con gấu, bặm môi bặm lợi chẻ cái giường ra làm củi. Một bà lão nhỏ bé, dáng vẻ tất tưởi, chân thấp chân cao đi vào cổng, chẳng làm thị ta bận lòng. Thị liếc xéo một cái, rồi lại tiếp tục một tay giữ dao, một tay cầm dùi đục phang lấy phang để, như thể bà lão kia với thị chẳng là cái đinh gỉ gì cả. Khuôn mặt bà lão in hằn dấu vết của sự vất vả, khổ cực nhưng vẫn toát lên vẻ phúc hậu, thánh thiện. Chợt khuôn mặt bà co rúm lại sợ hãi:

- Chết nỗi, mày chẻ giường ra làm củi hả con? Mày không sợ bị trời đày à? Người ta chỉ đốt giường khi nhà có người chết thôi!

- Hết củi rồi! Người đàn bà chỏng lỏn.

- Hết rồi cơ á? Mẹ và em vừa hái về cơ mà!

- Hai mớ củi ranh mà bà cũng cho là to lắm! Còn giường cũng là gỗ. Rõ là già lẩm cẩm!

- Mày... mày... Bà lão nghẹn lời không nói được tiếp. Còn thị thì ngước lên nhìn bà đầy thách thức.

Bà lão ấy là bà ngoại tôi. Còn người đàn bà xấu người, xấu nết kia là mợ Thành, vợ cậu Bảo là em trai mẹ tôi, cũng là con trai trưởng của ông bà tôi. Cậu Bảo tôi bị liệt từ nhỏ. Thực ra lúc mới sinh cậu không bị sao, nhưng hai tháng sau bà tôi phát hiện cậu không giơ được chân phải lên. Đến bệnh viện, bác sĩ thử châm kim vào, cái chân cũng không hề nhúc nhích. Mọi cố gắng của bác sĩ đều vô ích, cái chân phải của cậu Bảo teo dần từ đó. Nó luôn chỉ có da bọc xương, nhỏ, dài ngoẳng, trơ ra cái đầu gối to đùng. Hồi nhỏ, tôi rất sợ mỗi lần nhìn thấy cái chân bị liệt ấy của cậu, nhất là vào mùa hè khi cậu mặc quần sooc, khoe trọn cái chân bị liệt ấy ra ngoài. Nhưng cậu mặc quần dài cũng không giấu được cái chân bị tật đó, cái ống quần bên phải thõng xuống, thùng thình.

Ông tôi là Chủ tịch xã. Không như các gia đình có người làm Chủ tịch xã bây giờ, nhà ông tôi rất nghèo. Ông luôn phải đi họp, đi làm từ sáng sớm đến tối mịt mới về. Thời bao cấp, cấp trên có chỉ thị thì, cấp dưới cứ phải răm rắp tuân theo. Để chống mê tín dị đoan, ông tôi theo công văn từ huyện gửi xuống cho phá ngôi đền cổ kính đã tồn tại không biết bao đời ở đầu làng... Mưa bão, nước sống Hồng tràn lên mấp mé bờ đê. Ông tôi cả đêm không ngủ , đứng trên bờ đê chỉ đạo dân làng, thanh niên trai tráng hộ đê, phòng trường hợp xấu nhất: vỡ đê, ngập làng. Tảng sáng, chợt thấy có xác người chết trôi nổi ở giữa sông, ông tôi vội nhảy xuống vớt vào bờ, rồi cho chôn ở gần đấy.

Khi ấy cậu Bảo tôi gần được hai tháng tuổi. Rồi bà tôi phát hiện cậu bị liệt. Có người bảo tại ông tôi chỉ đạo phá đền nên thần linh trừng phạt. Có người lại bảo, tại ông tôi vớt xác và chôn cất cho người chết trôi kia, nhưng "nó" lại lấy oán báo ơn.

Tôi không biết sự thật chính xác là thế nào, chỉ biết ông bà tôi đã che chở, nuôi dạy cậu vượt qua được tất cả những mặc cảm tật nguyền. Để đến bây giờ trong nhà tôi, cái gia đình có truyền thống hay làm hay làm, "người khỏe việc to, người yếu việc nhỏ", cậu Bảo tôi cũng không phải người thừa. Đan nong nia, thúng mẹt, thổi cơm nấu nước... một tay cậu đảm nhận; tuy việc tắm giặt vẫn phải nhờ đến em, vì sức cậu kéo nước từ giếng sâu lên chỉ vài gầu đã mệt.

Cậu Bảo tôi là con trưởng. Năm cậu 28 tuổi, tôi đã học lớp hai. Các cậu, các dì sau cậu Bảo đã lấy vợ, lấy chồng gần hết. Ông bà tôi đã già, muốn cậu phải lập gia đình để có người nối dõi tông đường. Đó là cách nghĩ đã thấm nhuần vào đầu óc người dân làng tôi từ bao đời nay. Hơn nữa nhiều người ở hoàn cảnh như cậu tôi cũng có gia đình đấy thôi. Bà tôi vừa bảo cậu, vừa đánh tiếng:

- Con thế này thì bố mẹ cũng chẳng yêu cầu khắt khe gì. Bố mẹ lại già rồi, chẳng theo con được hết đời. Chỉ cần có người có lòng đến với con, mẹ sẽ làm chục mâm cơm có lời với anh em, chòm xóm. Sau này con ra ở riêng, bố mẹ sẽ cho con một cái máy khâu, một cái xe phượng hoàng, ít ruộng và cái nhà cùng miếng đất ngoài sông. Rồi có gì, thỉnh thoảng vợ chồng vào trong này với bố mẹ và các em.

Ngày ấy, nhà nào có xe đạp, máy khâu là khá giả lắm. Nhà bà tôi nghèo, nhưng ông bà cũng cố sắm sửa để cho cậu ra ở riêng. Với số vốn như thế, bà tôi mong có người nào lỡ thì hoặc xấu xấu sẽ đến với cậu. Cậu tôi còn rất khéo tay, sau một khóa học ngắn hạn, quần áo mọi người trong nhà đều do tay cậu cắt may. Sau này nhờ ít ruộng và cái máy khâu ấy cuộc sống của gia đình cậu chắc rồi sẽ ổn.

Rồi cũng có người đến với cậu. Người đàn bà to cao, dáng người thô xấu, mặt nặng hàng cân thịt, môi thâm dày bì bì với một đứa con trai riêng đã khá lớn, và ... cái thai nhi ba tháng tuổi còn nằm trong bụng. Thị tên là Thành. Thành không có chồng, chỉ dan díu, tằng tịu với một gã đàn ông dưới thành phố, khi bị vợ gã phát hiện, thị phải dẫn con về quê ngoại để kiếm kế sinh nhai. Bố mẹ thị mất rồi, có đứa em trai thì nó chỉ thẳng mặt thị bảo: "Tôi không có anh em với cái loại mạt hạng như bà!", tiếp đó nó đuổi thẳng thị ra khỏi cửa. Hàng xóm cũng không thấy lạ vì điều đó. Sống cùng bao nhiêu năm họ đều đã biết, giá thị khá giả một chút, thì em trai thị đã trải chiếu hoa mời chị ngồi lên, chị chị em em xơn xớt ấy. Nói chung anh em nhà thị nổi danh là cái giống bạc tình.

Thế nên, khi thấy thị lân la đến gần nhà bà tôi và cậu tôi để làm thân, anh em và hàng xóm của bà tôi ai cũng giãy nảy thay cậu Bảo tôi. Thị ở nhờ một cụ già độc thân gần nhà bà tôi. Thị đi nhổ mạ, cấy lúa, làm cỏ, hái chè cho bà ấy, cho vài người quen khác; rồi như vô tình giúp luôn công việc của cả bà và dì tôi. Thị làm mọi việc xăng xái lắm, thỉnh thoảng thị lại lên nhà bà, nói vài câu chuyện tầm phào với cậu tôi. Có lần thị còn giành việc giặt quần áo của cậu Bảo từ tay bà tôi. Trong làng có cô Tâm lỡ thì, cô khéo tay lắm, phải mỗi tội bị câm. Bà tôi đã đánh tiếng hỏi cô cho cậu, nhưng cô không đồng ý. Thêm một, hai đám nữa cũng chưa xuôi. Thành ra, bà tôi đâm nghĩ ngợi, không biết lấy thị Thành có phải là số phận của cậu tôi hay không.

Bà tôi chặc lưỡi cho cậu tôi liều đưa chân. Nếu người đàn bà ấy vẫn chăm chỉ và biết để ý đến cậu tôi như thế thì hai đứa con riêng cũng chẳng phải việc gì to tát lắm. Cậu tôi tuy làm được nhiều việc, nhưng việc chăm sóc bản thân vẫn phải nhờ đến tay mẹ, tay em. Ông bà tôi chẳng thể theo cậu cả cuộc đời. Với lại mẹ chăm con sao bằng vợ chăm chồng.

Nhà bà tôi khi trước ở mảnh đất gần bờ sông ngoài thị trấn. Nhưng vì trận vỡ đê sông Hồng năm 71, nên chạy vào trong gò. Bây giờ đê sông Hồng tốt, nước nôi yên ả, thì nhà cửa trong gò đã được cất làm ổn định. Mảnh đất ngoài sông thành nơi trồng rau đỗ thu nhập thêm, với một căn nhà nhỏ như trái bếp cho cậu út tôi mỗi tối ra ngủ để trông coi vườn tược. Cậu Bảo và mợ Thành đến với nhau xong thì bà tôi cho cất thêm một trái nhà ba gian bằng vách đất lợp lá cọ, cho cậu mợ ra ở riêng. Hồi ấy làng tôi nghèo lắm, nhà khá giả thì mới có tiền làm nhà vách gỗ lợp lá cọ. Nên như cậu mợ tôi, thế đã vào dạng tươm tất rồi. Ruộng bà tôi đã tách cho, cứ đấy mà cấy cày, đất đấy thì trồng rau, nuôi lợn gà tăng gia. Mợ Thành mà vẫn cứ chăm chỉ, cậu tôi nhận may may vá thêm, thì cuộc sống gia đình rồi sẽ ổn thôi, ông bà tôi sẽ bớt vất vả được ít nhiều.

Đứa con riêng của mợ Thành gọi cậu tôi là "bố", ít lâu sau có thêm một đứa con gái ra đời. Cậu tôi đặt tên nó là Cẩm. Không phải máu mủ, nhưng cậu Bảo quý chúng như con đẻ của mình. Cho chúng nó ăn, cho chúng nó ngủ. Khi Cẩm cứng cáp một chút, mợ đi làm, cậu là người bế nó, thay tã lót, rửa mông cho nó mỗi khi tè dầm, ị đùn, cho nó ngậm bình mỗi khi nó đói... Mợ Thành không chăm chỉ như trước đây, nhưng cũng không đến nỗi phải phàn nàn. Bà bảo với mẹ tôi: "Thôi thế cũng được con ạ. Mình làm sao mà cầu toàn được". Cậu Bảo thiệt thòi, nên lẽ đương nhiên, gia đình tôi ai cũng lo cho cậu.

***

- Ối giời ơi, con Thành nó đánh chồng kìa!

Nghe tiếng kêu, dì Kim tôi vứt vội cuốc, băng qua đường, chạy vào nhà cậu Bảo tôi. Người vợ to như một con gấu đang ngồi trên bụng cậu tôi, tay lia lịa đấm vào ngực cậu. Dì tôi hốt hoảng đẩy thị ngã khỏi người của cậu. Ngay lập tức hai người túm lấy nhau. Tát, cào, cấu, xé, dứt. Lúc hàng xóm tách được hai người ra khỏi nhau, tóc dì tôi đã rối bù rũ rượi, hàng cúc áo bị giật tung ra. Mợ Thành đòi bán buồng chuối quả bằng ngón tay chéo, cậu tôi không cho vì chuối bán non không được giá, mợ cứ cầm dao phăm phăm đi chặt. Cậu tức quá, lao cái nạng của mình theo mợ. Cái nạng trúng vào chân mợ. Đau quá, thị vứt dao, quay lại đẩy ngã cậu ra, và mọi việc tiếp sau là như thế.

Không biết có phải con người ta sinh ra đã phải khóc chào đời, nên mọi thứ trên cuộc đời thường không được xuôi chèo mát mái hay không? Cậu Bảo tôi có con trai. Đứa con máu mủ ruột rà mợ Thành tôi sinh ra cho cậu vào ba năm sau, khi bé Cẩm, đứa con gái riêng của mợ, đã biết rất nhiều thứ và lon ton chạy khắp nhà. Nhưng cậu tôi được tận hưởng niềm vui ấy chẳng được bao lâu. Hết thời gian kiêng khem cũng mất luôn con người của mợ Thành trước ấy. Chẳng ai trong gia đình tôi có thể ngờ mợ Thành lại quay ngoắt và thay đổi tâm tính đến như vậy.

Ông tôi là độc đinh của dòng họ Nguyễn Văn. Có lẽ sinh được cháu trưởng cho một dòng họ là có công lao to lớn lắm, nên người đàn bà ấy cho rằng việc chăm sóc cho chồng không phải thuộc về tay mình nữa. Ai trước đây giúp làm việc ấy thì cứ thế mà làm. Việc cày bừa, cấy hái hơn sào ruộng, hay tăng gia sản xuất, việc lên nương, vào rừng lấy củi cũng vậy. Nó là việc của ông bà và các cậu dì tôi. Mợ Thành không làm gì cả, chỉ ở nhà ôm thằng Ba em tôi. Ba tập đi, rồi biết đi, mợ vẫn dính chặt lấy nó, không ra đồng, cũng chẳng lên nương hay vào núi. Vườn tược mợ cũng để mặc cho mấy con gà ranh bới lộn hết lên. Bà tôi không ra gỡ mấy dõng khoai lang, thì mợ cũng cứ bỏ đấy thôi.

Quê tôi nghèo lắm. Người dân nai lưng làm quần quật từ sáng đến tối, lúa trồng hai vụ mà trong năm vẫn phải ra chợ đong thêm vài tháng vì diện tích trồng lúa ít, sâu bệnh lại nhiều. Bữa cơm chỉ có thịt mỡ với bát đậu trắng kèm rau xanh. Thế nên người ta phải lên nương, lên rừng trồng thêm ngô, sắn; kiếm củi bán thêm lấy tiền. "Không làm thì chẳng có gì đổ vào miệng đâu!". Bà tôi bảo con dâu như thế. Thị cong cớn: "Bà không phải dạy khôn tôi. Việc tôi tôi khắc lo, tôi không khiến đến bà! Bà làm thì làm! Không làm thì bỏ cha nó đấy!"

Ai đời có con dâu nói với mẹ chồng như thế! Dì Kim tôi tức lắm, đi ra ngoài sông, hai chị em lại chửi nhau một trận tơi bời khói lửa. Mẹ tôi từ thành phố về cũng đi ra phân tích cho mợ phải trái, nói mợ một thôi một hồi.Nhưng nghe đâu trước mặt mẹ tôi thì mợ vâng dạ như thế, nhưng sau lưng thì vẫn vênh váo, ra chiều ta đây chẳng sợ đếch bố con thằng nào.

Cậu Bảo tôi bắt đầu biết uống rượu, cuộc sống gia đình bây giờ giống cái địa ngục quá.Vợ láo, hư, mất dạy. Cậu làm chồng mà không nói được nó, không đủ sức để tát tai, dạy cho nó bài học. Ngày xưa sao nó chăm chỉ tử tế thế. Ngẫm rồi cậu mới nhận ra, khi xưa mợ Thành bắt được cậu như người chết đuối vớ được cọc. Người chết đuối mà vớ được cọc thì bám chắc lắm. Cho dù cái cọ ấy có lỏng lẻo, liêu xiêu thì người ta vẫn cứ riết lấy, miễn là biết chắc mình sẽ sống, mình sẽ được lên bờ. Con người khốn khổ, khốn nạn ấy khi cần chẳng lăn xả vào cái cọc đã liêu xiêu là cậu tôi đấy chứ.

Cậu Bảo tôi ngồi uống rượu, cái dáng người nhỏ bé rung lên rệu rã, khó nhọc. Từng hớp rượu đi qua cái yết hầu không phải là rượu. Nó như có thêm gai, đau đớn và nhọc nhằn lắm. Ông bà tôi không cho cậu uống rượu, nhưng cậu cứ lén uống. Uống xem có quên được tí nào cuộc đời trước mắt hay không.

Mất mùa. Năm nay mất mùa. Tiền hoa màu không thu được đồng nào. Vài đồng tiền còm cõi cậu tôi nhận được khi may vá thuê chẳng bõ bèn gì. Khó khăn người ta cắt hẳn chuyện may sắm quần áo mới. Mợ Thành đem cái xe phượng hoàng - ông bà tôi mua cho - đi bán lấy tiền đong gạo. Ba bị mụn to ở mông, rồi bị áp-xe phải vào bệnh viên hơn nửa tháng trời. Tiền cái máy khâu bán đi cũng không đủ để lo tiền viện phí thuốc thang, mợ gọi người đến bán nửa số đất ông bà tôi cho. Mấy năm trời người đàn bà ấy không có một đồng dành dụm. Rồi em tôi ra viện, chân bước thấp, bước cao.

Nhà cậu tôi bây giờ thành cái xác không hồn. Đồ đạc không có gì hơn ngoài cái hòm đựng lúa, một cái chõng tre và một cái giường. Nền nhà rác rưởi ngập lên tận mặt, quần áo bẩn vứt linh tinh khắp nơi. Bà tôi không ra dọn dẹp cho, thì cái nhà lúc nào cũng trong tình trạng ấy.

Mợ Thành đã chẻ cái giường ra đun. Vách bếp bằng liếp mợ cũng dỡ dần ra nhóm lửa, để hở ra những khoảng trống toang hoác. Nhà không còn gì có thể bán được, ngoài buồng chuối non quả bằng ngón tay, vừa bẻ hoa được hơn chục ngày.

***

Người đàn bà to như con gấu, ngồi lên bụng người chồng nhỏ thó, tàn tật đấm thùm thụp không tiếc tay. Giọt nước cuối cùng đã làm tràn cốc nước. Mợ Thành bị ông bà, cậu dì tôi tuổi ra khỏi nhà. Tôi vĩnh viễn không bao giờ còn phải gọi người đàn bà ấy là "mợ" nữa.

Thị cong cớn, vênh vênh dắt đứa con trai riêng ra khỏi căn nhà lá ở ven đê. Sau đó không lâu, gia đình tôi thấy thị nói với một số người ở thị trấn rằng, không cần đuổi thị vì sớm muộn thị cũng đi. Cái nhà ấy chẳng còn gì trong lõi nữa, nồi cơm mỗi bữa đã độn đến hơn nửa là sắn rồi. Đứa con gái riêng của thị, cậu Bảo tôi muốn giữ lại nuôi, thị đồng ý luôn. Có thêm nó cuộc sống của thị những ngày trước mắt sẽ khó khăn hơn nhiều. Thực ra thằng con riêng của thị cũng muốn ở lại với cậu Bảo tôi, nhưng nhà ông bà tôi nghèo, không nuôi được nó. Thêm nữa, trong sâu thẳm mọi người trong gia đình tôi đều sợ nó đã ở lâu với mẹ nó, nuôi nó nhỡ có ngày thành "nuôi ong tay áo, nuôi cáo trong nhà", thì nhà tôi không thể chịu được nữa.

Mấy tháng sau, gia đình tôi nghe tin người đàn bà ấy cho đứa con trai xuống Hà Nội rửa bát thuê, thị thì về ở với một thằng đầu trộm đuôi cướp. Hai người bọn họ lúc có tiền thì anh anh, em em ngọt sớt; lúc nhẵn túi thì nhiếc móc, sỉ vả, đánh chửi nhau làm điếc tai ngõ xóm. Thị lại có con. Đứa trẻ chưa biết gì đã khổ, suốt ngày khóc thét vì tiếng loảng xoảng của xoong nồi, mâm bát. Có người hiếm muộn con cái ở xa biết chuyện liền đến xin đứa trẻ về làm con nuôi. Người ta đưa cho thị hai trăm ngàn đồng. Chẳng biết người ta có phải năn nỉ thì thị mới nhận số tiền đó không? Thị có nhỏ một hạt châu nào khi trao đứa bé không? Hàng xóm có nghĩ thị bán con không? Nhưng đến đứa con thứ hai dứt ruột đẻ ra thị cũng cho phứt đi, cũng nhận mấy đồng (nghe nói lần này nhiều hơn lần trước), thì hàng xóm đích thị nghĩ vậy. Mà sao cái giống bất nhân ấy nó lại mắn đẻ đến thế! Thị bảo thị đặt vòng rồi những cơ thể không ưa, thằng bồ lại không thích dùng biện pháp tránh thai. Mà thị ngồi xổm lên dư luận đấy, làm gì được thị nào!

***

Cậu Bảo tôi ốm rồi mất vì nhiều bệnh: suy tim và xơ gan. Rượu đã đánh gục cậu. Chính là thứ rượu cậu uống trong thời gian chung sống với người vợ địa ngục trần gian. Ngày cậu mất, nực cười là người đàn bà ấy lại chạy đến đòi để tang cậu tôi. Cậu út tôi mặt lạnh tanh bước ra bảo:

- Chị còn dám vác mặt đến đây à? Chị cút về đi, nhà tôi không có quan hệ với con người như chị!

Hơn một năm liền trước khi mất, cậu tôi ốm liệt giường liệt chiếu, không thấy bóng dáng thị bén mảng một lần. Lúc cậu mất thị lại muốn diễn tuồng nhân nghĩa. Cái Cẩm, thằng Ba con cậu Bảo tôi nhìn thấy thị cũng chẳng thèm ngó lại. Chúng nó bảo mẹ chúng nó cũng đã chết từ lâu lắm rồi.

Mọi người trong gia đình tôi không nguôi ngoai nhớ thương cậu Bảo, cũng như giành tình cảm đối lập cho người đàn bà đã đi qua và tác oai tác quái một phần đời của cậu. Một năm nay bà tôi bắt đầu đi quy, bà bảo nhà Phật dạy: đời có luật nhân quả, người thiện lương rồi sẽ được đền đáp, kẻ ác độc sớm muộn sẽ bị trừng phạt.

Năm năm sau, tôi nghe tin thị Thành lại qua lại với một gã đàn ông khác. Lần này thị lại có đứa con, nhưng thị quyết để nuôi chứ không đem cho nữa. Dân thị trấn nửa thật nửa đùa bảo thị: Ừ thôi để lại con mà nuôi, chứ cho đi thì nhỡ đâu trứng lại rụng hết rồi, sau này chẳng lẽ tranh với gà để ấp.

Rồi thị trấn lại xôn xao chuyện thị Thành bị cảm một trận, thành ra người ốm đau dặt dẹo, thằng bồ lặn không thấy sủi tăm. Không có sức làm được việc nặng, thị phải sắm một thúng quà vặt, ra ga tàu chèo kéo để bán hàng, kiếm vài đồng để mẹ con rau cháo qua ngày.

Những ngày sắp sang cát cậu Bảo, thằng bé con riêng của thị Thành về nhà ông bà tôi. Ngày xưa nó đã muốn ở lại cùng cậu tôi, dù không được nhưng nó vẫn luôn coi cậu tôi là bố. Dì Kim hỏi nó đã qua thăm mẹ nó chưa. Nó bảo từ ngày mẹ nó cho nó đi làm thuê, nó không nhận được lời hỏi han nào từ mẹ nó, nó coi mẹ nó đã chết rồi.

Tôi không biết, những đứa trẻ thị Thành đã cho đi sau này, có đứa nào vẫn còn nhận thị làm mẹ mình hay không; nhưng ba đứa con của thị mà tôi biết, cũng là ba đứa em của tôi, không có một đứa nào muốn nhận thị làm mẹ. Thật không bằng một con gà mái, cách mấy chục ngày lại đẻ ra chục trứng, ấp ra một đàn con. Hàng xóm bảo với ông bà tôi: Trời xanh có mắt đấy! Còn tôi thì đứng trước bàn thờ khấn cậu: Cậu Bảo ơi, con người hành hạ cuộc đời cậu đã phải trả giá rồi!

Việt Hà -

LTS:

Năm 1998, khi đang học đại học năm thứ nhất, tôi bắt đầu viết truyện ngắn với bút danh Tiểu Nhiên. Tờ báo đầu tiên đăng truyện ngắn của tôi là tờ Hoa học trò, sau đó đến báo Sinh viên. Sau đó hơn năm, tôi gửi truyện ngắn cho báo Tiền Phong chủ nhật, chú Hoàng Sơn -Thư ký tòa soạn của tờ báo khi ấy - góp ý với tôi là bút danh của tôi có vẻ... trẻ con quá. Vì vậy tôi quyết định dùng tên thật của mình là Nguyễn Thị Việt Hà.

Với việc viết lách, tôi là người lười biếng, lâu lâu tự mình thấy thúc ép lắm mới ngồi vào bàn phím gõ gõ vài trang. Cái tên/ bút danh của tôi vô tình lại rất được ưa chuộng và trùng với nhiều người. Vì vậy, tôi lại băn khoăn đổi bút danh lần nữa. Và lần này tôi chọn bút danh là Việt Hà.


Đọc thêm:
Những truyện ngắn của Việt Hà
Blog giới thiệu sách hay của Việt Hà

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét