Phía trước có ngã rẽ (Truyện ngắn của Việt Hà)

Đây là truyện ngắn của tôi đăng trên báo Tiền phong chủ nhật năm 2000. Không thể phủ nhận rằng tư duy, quan điểm sống của những người bạn tôi khi ấy vẫn còn rất trong sáng, ngây thơ. 
---

Tôi cứ hay nghĩ vẩn vơ rằng con người sống trong cuộc đời như đi trên con đường có nhiều ngã rẽ. Có những ngã rẽ không quan trọng, có những ngã rẽ có ý nghĩa quyết định với cả đời người. Tôi là con gái, sinh ra đã có thiên chức gắn bó với gia đình. Không gia trưởng, cổ hủ, nhưng bố tôi bảo: trụ cột gia đình là việc của đàn ông con trai chứ chưa nói gì đến việc quốc gia đại sự. Con chỉ cần học hành đến nơi đến chốn, có một việc làm ổn định, kiếm một tấm chồng tử tế, để cho bố mẹ yên ắng tuổi già là được. Nói thế nào thì nói, cuối cùng với người con gái gia đình cũng là điều quan trọng nhất. Phương nói với tôi về một đám cưới sắp tới gần đây của chúng tôi. Và tôi đang đi trên con đường của mình, phía trước có một ngã rẽ.



Chị Yến gọi điện thoại cho tôi bảo đang ở Hà Nội một mình, nhờ nhà bạn. Tôi ngạc nhiên hỏi lại: "Anh Phong của chị đâu?". Chị tức tưởi, òa lên trong máy điện thoại. Chị Yến là con dâu bác Đang, chị gái bố tôi. Chẳng biết cãi cọ thế nào, bác đuổi chị đi. Chị khái tính cũng đi thật. Bây giờ thì thế.

Tôi biết chị Yến từ lâu. Ngày xưa yêu nhau, anh Phong hay chở chị Yến đến chỗ tôi chơi. Trước anh Phong chị đã yêu một người, nhưng vì hoàn cảnh vất vả nên chị đã bỏ người ấy. Chị lấy anh Phong tôi, con một, nhà giàu. Bạn bè ai cũng bảo chị trói khéo, buộc khéo; rằng chị sướng. Nhiều người ghen với cuộc sống của chị, nhưng không ai biết bác Đang tôi là người giàu, người có tiền của, bác chẳng coi chị ra gì. Cuộc đời "mạnh vì gạo, bạo vì tiền", chị Yến tay trắng về nhà bác, chẳng mất công mất sức gì mà được cái cơ ngơi to như thế, bác tôi cho rằng mình xử sự thế nào chẳng được. Tôi an ủi và hỏi địa chị nhà bạn chị đang ở nhờ, rồi đến ngồi với chị cả buổi tối.

Phương chở tôi đi chơi. Tôi kể cho anh nghe chuyện chị Yến, bóng gió nói rằng con gái chúng tôi đứa nào cũng sợ về nhà chồng. Phương cười hiền khô, vòng tay ra đằng sau ôm tôi thật chặt: "Em cứ nói thế! Bố mẹ nào chẳng là bố mẹ. Với lại có anh bên cạnh, em còn sợ gì nữa".

Tôi và Phương yêu nhau. Tôi không biết tại sao lại thế. Biết nhau mãi chẳng sao, bỗng nhiên Phương đến chỗ tôi liên tục. Rồi ngỏ lời. Và yêu. Bố Phương là Phó Tổng giám đốc công ty X tại Hải Phòng quê hương tôi. Bạn bè thân có, sơ có bảo nhau: "Số cái Linh sướng! Ra trường chẳng cần phải lo lắng gì nữa. Cưới quách một cái. Bố chồng xin việc cho, thế là xong!".

Tôi không phải không nghĩ ngợi. Công ty mẹ tôi làm kế toán trưởng có quan hệ làm ăn với công ty bố Phương từ lâu. Mẹ tôi cũng tán thành chuyện tình yêu của chúng tôi. Cũng phải lẽ vì bố mẹ bao giờ chẳng mong những thứ tốt đẹp cho con cái. Nhưng với Phương tôi không hề lôi kéo gì. Anh tự đến, tôi thấy hợp tính và chúng tôi yêu nhau. Vả lại những việc tính trước chắc gì đã thành.

Nhớ lần Phương dẫn tôi về nhà ra mắt. Sau một hồi bố mẹ anh hỏi han về gia đình, tôi xuống bếp nấu cơm cùng Phương. Ở phòng khách đã đành, bước vào bếp, tôi vẫn bị choáng ngợp vì sự rộng rãi, sang trọng và tiện nghi của căn bếp nhà anh. Vẫn bếp ga, tủ lạnh, lò nướng, máy rửa chén bát... nhưng toàn là những thứ tôi chưa bao giờ thấy bày bán ở đâu, chứ đừng nói đến việc sử dụng. Phương lấy cho tôi cốc sinh tố, bắt tôi ngồi xuống ghế xem anh trổ tài nấu nướng. Cũng tại tôi chẳng thể xoay xở với mấy thứ đồ đạc sáng bóng, quá hiện đại ấy.

Nhà tôi kinh tế khá, nhưng so với nhà anh chẳng thấm tháp vào đâu. Chỉ riêng căn bếp nhà anh cũng đáng giá cả gia tài. Diệu bảo tôi: "Mày còn phải lo lắng gì nữa. Yên tâm đi, số mày chắc chắn giàu. Mai sau tao đến vay tiền, đừng có cho đứa con ra bảo: bố mẹ cháu đi vắng mất rồi nhé". Diệu là bạn thân của tôi, và tôi luôn tin vào những lời khuyên của nó.

***

Ra trường, tôi ở lại Hà Nội xin việc vì muốn thử tự lập xem thế nào. Hơn nữa, tôi cũng quen với nhịp sống ở đây rồi. Nhờ mối quan hệ của bố mẹ và bạn bè, tôi không phải chịu cảnh thất nghiệp này nào, nhưng thử qua vài chỗ, cũng chưa có chỗ nào khiến tôi thấy bằng lòng. Phương chiều lòng tôi, ở lại Hà Nội làm việc và cũng ở trong tình cảnh tương tự. Mẹ bảo nếu tôi chịu về Hải Phòng, tôi sẽ có một chỗ làm đúng chuyên môn, lại không phải lo nghĩ về chuyện thu nhập.Ý mẹ muốn nói là ba của Phương dư sức để lo chuyện công việc của chúng tôi. Nhưng tôi không hiểu sao vẫn lần chần.

Về Hải Phòng, tôi qua nhà Phương chơi. Chỗ này nếu phải duyên sẽ là nhà bố mẹ chồng tôi. Em gái Phương ra mở cổng cho tôi. "Anh Phương đang ở trên phòng chị ạ". Nó ngập ngừng định nói tiếp với tôi cái gì đó, nhưng rồi lại thôi.

Tôi bước gần đến lối vào phòng khách, chợt nghe tiếng mẹ Phương chao chát:

- Tôi đưa cho cô chú ngần này tiền, liệu mà về làm ăn đi nhé! Cái nhà này đâu phải cái mỏ, mà cứ túng thiếu, hết tiền là sấn đến. Miệng ăn thì núi cũng lở! Cô bảo con cô ốm. Trên đời này dễ chừng chỉ mình gia đình cô có con chắc? Làm ăn không chịu làm ăn, chỉ giỏi giở chiêu "nước mắt cá sấu", kể khổ kể sở ngang "cave kể chuyện, con nghiện trình bày". Thôi đấy, tiền đấy! Cô cầm về đi, liệu làm gì thì làm!

Người đàn bà gầy ốm, đen đúa khổ sở, chỉ dám ngồi ghé mông vào cái xa-lông bọc da sang trong, gạt giọt nước mắt vừa lăn xuống, cầm tiền, lí nhí cảm ơn rồi ra về. Ánh mắt sắc lạnh của mẹ Phương đuổi theo ra tận cửa. Thấy tôi bà dịu lại:

- Linh đấy à? Đến từ bao giờ thế con? Vào nhà đi, Phương nó xuống bây giờ đấy! Bác đang bực hết cả mình! Anh mới chả em, làm thì lười, chỉ có kêu với xin là giỏi.

Tôi "dạ" nhẹ một tiếng, bất giác nhớ đến chị Yến. Tôi đã từng nghe bác Đang nói chị, thấy lúc nãy mẹ Phương và bác sao mà giống nhau thế. Chẳng lẽ người có tiền có của thường ngoa ngoắt, cay độc vậy sao?

***

Phương chở tôi đến quán cà- phê quen thuộc. Ánh đèn xanh dìu dịu hắt lên tán cây cảnh trong tiếng nhạc du dương nhè nhẹ. Người phục vụ mang nước đến đã đi từ lâu, mà chúng tôi vẫn ngồi im không động đậy, chẳng ai chịu mở miệng nói với ai câu nào. Mấy buổi đi chơi gần đây của chúng tôi hôm nào cũng thế. Tôi và anh đang hục hoặc vì chuyện làm việc ở Hà Nội hay chuyển về Hải Phòng. Tôi đang muốn dự tuyển chỗ làm mới ở Hà Nội, anh lại cứ ngãng ra muốn về. Đá trong cà-phê đã tan một nửa. Cuối cùng Phương cũng là người phá vỡ im lặng.

- Anh quyết định rồi. Anh sẽ về Hải Phòng làm trong công ty bố. Ở Hà Nội chỗ làm thì có, nhưng lương ba cọc, ba đồng làm sao mà sống được. Bây giờ còn chưa sao, nhưng đến lúc lấy nhau chẳng nhẽ vẫn ngửa tay xin tiền của bố mẹ.

- Bao giờ anh về? Tôi hỏi mà nghe giọng mình như của một người xa lạ

- Tuần sau. Anh chờ quyết định của em. Về đấy em không phải lo gì cả. Bố thừa sức lo cho cả hai đứa mình.

Tôi vừa ức, vừa tức khi nghe anh nói. Anh thừa biết tôi muốn ở Hà Nội. Anh kêu lương ít, tiền ít không đủ sống, sao không chịu phấn đấu mà cứ phải về Hải Phòng.

Chị Yến gọi điện thoại cho tôi bỏ anh Phong bỏ việc ra ngoài Hà Nội cùng chị. Anh chị nhất quyết không về lại quê, bố mẹ anh đành phải sắm cho anh chị một căn nhà mới tại ngõ Y, phố Z. Nhà cửa đã tạm ổn, chị bảo tôi đến chơi, bố mẹ chồng chị cũng lên chơi nhà chị từ hôm qua.

Tôi đi một mình, đến nơi thấy chị lo lắng bấn lên. Nói năng với bố mẹ chồng cứ sợ sệt, khúm na khúm núm. Đang đập quả trứng, nghe tiếng bác tôi gọi từ đằng trước nhà, chị giật bắn mình, làm rơi vỡ luôn cái bát. Chị chẳng giấu tôi cái gì:

- Từ hôm qua lúc nào chị cũng nơm nớp sợ làm mất lòng bố mẹ chồng.

Tôi nghe chị nói mà không hiểu nghị lực và can đảm giúp chị bỏ ra Hà Nội đã đi đâu hết. Nhưng rồi lại chợt nhận ra, dù thế nào chị vẫn là con người của mấy năm về trước, khi chia tay mối tình đầu để đến với anh tôi.

Ai đó đã nói, người bình thường trong cuộc đời luôn phấn đấu để đạt được hai thứ là hạnh phúc và sự giàu có. Để đến được đỉnh cao của cái này thì phải hy sinh cái kia và ngược lại. Còn nếu phấn đấu cho cả hai thứ, thì sẽ luôn ở mức tầm tầm. Người ta bảo chị Yến sướng, hạnh phúc và giàu có. Cái cơ ngơi to lớn của bác tôi sớm muộn sẽ về tay chị. Họ nói vậy vì họ không biết thái độ của bác tôi với chị. Không biết chị nơm nớp sợ mỗi lần vợ chồng bác tôi ra Hà Nội hay anh chị phải về quê thăm bố mẹ chồng.

Tôi cũng nghe phong thanh mẹ Phương đang khó chịu và bực bội vì tôi cứ ương bướng muốn ở lại Hà Nội. Nhà Phương giàu lắm, mẹ Phương cũng không hiền. Tôi đang đi trên một con đường mà lấy Phương là bước vào một ngã rẽ mới. Sắp tới ngã rẽ rồi, và tôi phải đưa ra lựa chọn cho riêng mình.

***

Còn một ngày nữa Phương về Hải Phòng. Anh qua nhà trọ, đưa cho tôi điện thoại và bảo tôi gọi điện cho... mẹ anh. Nói chuyện với mẹ anh, chắc tôi sẽ có được quyết định sáng suốt, đúng đắn. Tôi trợn tròn mắt ngạc nhiên, rồi tức giận cay đắng. Mấy năm yêu nhau, hôm nay tôi mới biết được con người thật của Phương. Giá lừa lọc, đểu giả còn đỡ! Anh lại nhu nhược! Nhu nhược đến độ chuyện với người yêu còn đem cả mẹ vào! Phương bảo, anh đã nói bố mẹ chọn ngày đem lễ sang nhà tôi dạm ngõ. Mới sắp thôi. Thế vẫn còn may mắn, nếu lỡ tôi có làm gì, thì sẽ đỡ sốc cho cả bố mẹ anh và bố mẹ tôi.

Tôi bấm điện thoại gọi cho mẹ. Chưa gọi tôi đã hình dung mẹ tôi sửng sốt và tức giận như thế nào. Rằng tôi còn mong muốn thế nào, muốn tìm một người hơn Phương như thế nào nữa. Bà bắt tôi về ngay Hải Phòng, nếu không thì bà sẽ lên Hà Nội ngay để phân tích rõ ràng cho tôi điều thiệt hơn, hay dở.

Với Diệu sẽ nhẹ nhàng hơn. Dù đầu tiên nó sẽ không ngớt mồm mắng tôi là thần kinh không bình thường, hâm điên, chập mạch; rằng có bao nhiêu người mơ được cái phúc phận như của tôi. Nhưng tôi không muốn mình giống như chị Yến. Lấy Phương tôi dám chắc mình sẽ phải sống chung với bố mẹ chồng. Bát đũa còn có lúc xô, nói chi con người ở với con người. Nếu lỡ có bất đồng với cha mẹ, tôi không dám chắc Phương sẽ đứng về phía tôi, bảo vệ tôi, chứ chưa nói đến can đảm bỏ nhà theo tôi như anh Phong.

Làm sao không đau đớn, xót xa khi từ bỏ một tình yêu đã gắn bó mấy năm liền với mình như máu thịt. Nhưng tôi đang đi trên con đường của tôi, cuộc đời tôi nằm trong bàn tay tôi và tôi phải tự quyết định sẽ rẽ ngang hay tiếp tục con đường phía trước.
_ Việt Hà _

LTS: Năm 1998, khi đang học đại học năm thứ nhất, tôi bắt đầu viết truyện ngắn với bút danh Tiểu Nhiên. Tờ báo đầu tiên đăng truyện ngắn của tôi là tờ Hoa học trò, sau đó đến báo Sinh viên. Sau đó hơn năm, tôi gửi truyện ngắn cho báo Tiền Phong chủ nhật, chú Hoàng Sơn -Thư ký tòa soạn của tờ báo khi ấy - góp ý bút danh của tôi có vẻ... trẻ con quá. Vì vậy tôi quyết định dùng tên thật của mình là Nguyễn Thị Việt Hà.

Với việc viết lách, tôi là người lười biếng, lâu lâu tự mình thấy thúc ép lắm mới ngồi vào bàn phím gõ gõ vài trang. Cái tên/ bút danh của tôi vô tình lại rất được ưa chuộng và trùng với nhiều người. Vì vậy, tôi lại băn khoăn đổi bút danh lần nữa. Và lần này tôi chọn bút danh là Việt Hà.


Đọc thêm:
Những truyện ngắn của Việt Hà
Blog giới thiệu sách hay của Việt Hà

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét