Tư duy nhanh và chậm: Để hợp nhất hai cái tôi trong một con người...

Đây là bài review cuốn sách Tư duy nhanh và chậm của tôi trên báo Tuổi trẻ cuối tuần qua (số 48- 2014). Hy vọng các bạn có thể tìm được cảm hứng và quyết tâm để đọc cuốn sách này. 

Tư duy nhanh và chậm(*) có thể khiến bạn e ngại vì sự “đồ sộ”: hơn 600 trang in khổ lớn, chưa kể tác giả cuốn sách lại là người đạt giải Nobel về kinh tế!

Tuy nhiên nếu bạn đủ kiên nhẫn vượt qua 30 trang đầu tiên của cuốn sách, đặc biệt là 20 trang lời nói đầu của tác giả, ngay trong tức khắc tiếp cận loạt thuật ngữ mới, diễn đạt đôi lúc khó hiểu hoặc chưa rõ nghĩa (do tham vọng gói gọn nội dung cuốn sách trong vài trang giấy của tác giả hay việc chuyển ngữ chăng?); sẽ thấy các khái niệm/ thuật ngữ chuyên ngành kể cả công trình đã giúp tác giả nhận được giải Nobel kinh tế danh giá vào năm 2002, thật bất ngờ, và không đến nỗi khó hiểu, có thể khiến bạn liền mạch theo dõi sách.

Tư duy nhanh và chậm

Daniel Kahneman cho chúng ta tiếp cận với hai khái niệm, hai hệ thống tư duy của con người: hệ thống 1 hoạt động một cách tự động, cảm tính, rập khuôn, không cần sự cố gắng (ví dụ khi nhìn thấy hình một phụ nữ giận dữ chúng ta có thể gán cho rất nhiều suy đoán về chất giọng, tính chất lời nói của người phụ nữ sắp phát ra)- gọi là tư duy nhanh. Hệ thống 2 đòi hỏi sự nỗ lực, tập trung, có tính toán và ý thức của chủ thể (hãy xem xét phản ứng của chúng ta khi nhìn thấy phép nhân 17x24, chúng ta có thể biết ngay đáp án 12,609 hay 123 là không hợp lý, nhưng cũng không dám chắc 568 có phải là đáp án đúng hay không. Và chúng ta sẽ cảm thấy tốt hơn là ngồi lại tính toán phép tính này)- được gọi là tư duy chậm. Trong cuộc sống hàng ngày, con người chủ yếu sử dụng hệ thống tư duy nhanh để quyết định mọi việc.

Tư duy nhanh và chậm
Tư duy nhan h và chậm

Hệ thống tư duy nhanh liên tục diễn dịch chuyện gì đang xảy ra trong thế giới của chúng ta, và quá trình này sẽ sản sinh ra những phán đoán suy nghiệm khá hữu ích, nhưng đôi khi cũng dẫn đến những lỗi sai nghiêm trọng và hệ thống. Với các chuyên gia, những người đã luyện tập hàng nghìn giờ đồng hồ trong lĩnh vực của mình, tư duy nhanh của họ (gọi là tư duy trực giác của các chuyên gia) đa phần rất chính xác vì nó được dựa trên kinh nghiệm nhiều năm trời của họ. Ví như một cao thủ cờ vua chỉ cần liếc mắt vào một bàn cờ trên đường phố mà ông đi qua là có thể tuyên bố “quân trắng, ba nước, chiếu tướng”...

Tuy nhiên, bên ngoài lĩnh vực chuyên môn, hệ thống tư duy nhanh của con người chủ yếu là suy nghiệm trực giác đơn thuần. Và suy nghiệm này có thể khiến con người mắc nhiều sai lầm, đơn cử đứng trước một lựa chọn may rủi, chúng ta sẵn sàng trả giá cho nỗi sợ hãi mất mát khi ở tình trạng được lợi và tìm kiếm vận may khi đang rơi vào tình trạng thiệt hại. Có nghĩa, chúng ta sẽ sẵn sàng chi trả một khoản phụ phí để giành được một lợi ích nhỏ nhưng chắc chắn, hơn là đối mặt với cơ hội kiếm được nhiều lợi ích hơn trong trò may rủi.Và cũng sẽ sẵn sàng chi trả một khoản phụ phí (trong giá trị dự tính) để tránh một tổn thất chắc chắn nhưng đồng thời cũng có cơ hội kiếm được nhiều lợi ích hơn.

Điều này chính là do sự hạn chế của hệ thống tư duy nhanh khi chỉ có xu hướng đưa ra các quyết định với từng vấn đề nảy sinh, mà không chịu đưa ra sự kết hợp logic và xem xét các vấn đề một cách tổng thể theo cách tư duy chậm. Thực tế, xét trên khía cạnh đầu tư, chúng ta đã bỏ qua nhiều cơ hội thu được những khoản tiền khổng lồ khi bỏ qua những cơ hội đầu tư độc lập, có tỷ lệ chiến thắng lớn, chỉ với một khoản tiền rất nhỏ so với tổng tài sản mà chúng ta có- điều mà những nhà đầu tư tài chính, các tay buôn chứng khoán lão luyện vẫn làm mỗi ngày. Đây cũng chính là nội dung cơ bản của lý thuyết viễn cảnh, công trình được trao giải Nobel kinh tế năm 2002 của tác giả cuốn sách.

Và con đường hạnh phúc        

Ngoài ra còn có rất nhiều nghịch lý khác dẫn đến các sai lầm trong suy nhiệm trực giác của con người như: nghịch lý liên hợp, nghịch lý tỷ suất nền, hiệu ứng khung, hiệu ứng hào quang. Tất cả đều được tác giả giới thiệu và giải thích rất rõ ràng trong cuốn sách. Nắm được tất cả những nghịch lý và sai lầm này, mỗi cá nhân đặc biệt là các nhà kinh tế học, hoạch định chính sách, hành pháp… sẽ hiểu được năng lực tư duy của chính mình và phát huy nó một cách hiệu quả nhất. 

Điều đặc biệt là trong phần cuối cùng của cuốn sách, tác giả giới thiệu tới bạn đọc các nghiên cứu gần đây của mình liên quan đến sự khác biệt giữa hai cái tôi trong một con người: một cái tôi kinh nghiệm hạnh phúc và một cái tôi ghi nhớ. Khi con người lựa chọn những hồi ức để nhớ lại, làm thế nào để cái tôi ghi nhớ không gợi lại những ký ức tệ tại, những trải nghiệm không cần thiết. Làm thế nào để hòa hợp hai cái tôi này trong cùng một cơ thể, để theo đuổi hạnh phúc… chắc chắn sẽ là một nội dung thú vị với mỗi người đọc.

Tác giả Daniel Kahneman là giáo sư tâm lý học thuộc Đại học Princeton, Mỹ. Ông được xem là một nhà tâm lý học vĩ đại nhất trên thế giới còn sống. Cùng với Giáo sư Amoss Tversky (Đại học Stanford), ông đã thực hiện hàng loạt thí nghiệm tâm lý và có nhiều phát hiện rất quan trọng về hành vi con người. Năm 2002, ông đã được trao giải thưởng Nobel kinh tế vì những phát kiến về lý thuyết viễn cảnh (Prospect Thoery).


 (*) Tư duy nhanh và chậm- Thinking fast and slow, Daniel Kahneman, Xuân Thanh- Hương Lan dịch, NXB Thế giới- Alpha Books phát hành

Đọc thêm: Cơ bản là buồn- Tiếng nói phản đối chiến tranh
Gone Girl- Cô gái mất tích: Nếu không phù hợp đừng bước chân vào hôn nhân
Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét