Tác giả cuốn sách "Tương lai nghề nghiệp của tôi" tiết lộ bí quyết thành công (P2)

Trước khi tham dự buổi ra mắt sách Tương lai nghề nghiệp của tôi, Giáo sư Kim Rando, Đại học Quốc gia Seoul Hàn Quốc, đã có buổi chia sẻ với gần 100 bạn trẻ tham dự chương trình “Trải nghiệm doanh nghiệp” của Alpha Books. Tại đây ông đã chia sẻ 7 bí quyết thành công cốt yếu với bạn trẻ. Blog Sở thích xin tiếp tục tiết lộ với bạn đọc bốn bí quyết thành công tiếp theo của tác giả Kim Rando.



Kim Rando, tác giả cuốn sách "Tương lai nghề nghiệp của tôi"

4. Đồng hồ của bạn chỉ mấy giờ?

Nếu cả cuộc đời bạn là 24 tiếng của một ngày, vậy bạn đang ở mấy giờ?

Tính trung bình tuổi thọ của một người dân bây giờ là 80 tuổi, chia ra thời gian của cả ngày thì 1 tuổi = 18 phút.
Vậy nếu bạn 10 tuổi, bạn đang ở 3h sáng.

Nếu bạn 20 tuổi, bạn đang ở 6h sáng.

Nếu bạn 30 tuổi, bạn đang ở 9h sáng.

Nếu bạn 40 tuổi, bạn đang ở 12h sáng.

Lúc 6h sáng, bạn có thể còn chưa kịp ngủ dậy. Ai chăm chắc đang tập thể dục. Có thể đánh răng và rửa mặt.

Lúc 9h sáng, công việc có thể mới bắt đầu, còn 1 tỉ thứ phải giải quyết, và ngày hôm ấy thành công hay không chưa thể biết được.

Lúc 12h sáng, bạn chuẩn bị ăn trưa, nghỉ giữa hiệp. Mới có 1 nửa ngày trôi qua mà thôi.

Cho nên đừng vội. Và đừng hoảng hốt khi bạn gặp rắc rối vào lúc 6h sáng, 9h sáng, hay thậm chí 12h trưa. Cho đến thời điểm ấy, bạn vẫn chưa làm được gì cũng không có nghĩa cả ngày là vứt đi cả.

Bí quyết thành công là: Tiến chậm cũng không sao. Miễn không dừng lại là được.

5. Bench-marking và Self-marking


Yes, I can!


Bench-marking là từ để chỉ việc một cá nhân, một công ty muốn đạt được những thành công mà cá nhân, hoặc công ty khác đã đạt được, bởi vậy họ tìm cách học hỏi và bắt chước những điều mà cá nhân hoặc công ty kia đã làm.

Việc này rất phổ biến, và tốt cho sự phát triển.

Thế nhưng, vấn đề là chúng ta phải học tập theo ai. Ví dụ, bạn muốn thành công như Steve Jobs, hãy học theo và làm theo những điều ông làm.

Nhưng thường thì, người ta lại không bench-marking những người mà chúng ta cần phải học theo - những người chúng ta phải vươn đến, mà lại bench-marking những người bạn của mình, những người cùng tầm tuổi với mình, cùng "loại" với mình, nhưng có gì đó nhỉnh hơn mình một chút.

Ví như cậu học sinh thấy những bạn/người hơn mình vài tuổi đua nhau chọn trường này, có vẻ sang chảnh, nên cũng phải cố mà bắt chước. Thấy bạn mình thi loại bằng này, tham gia hoạt động kia, cũng phải cố làm theo. Bố mẹ cũng thường khoái chuyện khuyên bảo con mình theo gương "con nhà người ta". Điều này thực sự là Hỏng bét.

Giống như người ăn xin ngoài đường, lẽ ra ông ta phải ghen tị và học hỏi theo những ông chủ của tòa nhà cao tầng trước mặt, những người đã cho ông ta tiền, đi xe sang, mặc quần áo đẹp. Nhưng không, ông ta sẽ ghen tị và học theo gã ăn mày ngồi bên cạnh - người xin được hơn ông ta 100 nghìn đồng.

Cho nên tôi tạo ra khái niệm self-marking. Có nghĩa là học theo, làm theo chính bản thân mình - của 20 năm nữa. Đi theo chính hình ảnh con người mà mình muốn trở thành ở tuổi 30, 40, 50, chứ không phải theo bất kỳ ai khác cả. Như vậy gọi là self-marking.

Bí quyết thành công là: Đừng so sánh mình với người bằng tuổi xung quanh, hãy so sánh mình với chính con người mình muốn vươn đến.

6. Con vịt, đại bàng và hình chữ T



Vịt là loài vừa biết bơi dưới nước, vừa biết đi bộ trên bờ, và nếu muốn, lại còn có thể bay một chút nữa.

Nhưng nếu ông chủ muốn thuê một nhân viên biết bay, ông sẽ thuê đại bàng, không thuê vịt.

Nếu ông chủ muốn thuê một nhân viên biết bơi, ông sẽ thuê cá heo, không thuê vịt.

Nếu ông chủ muốn thuê một nhân viên biết đi trên mặt đất, ông sẽ thuê ngựa, không thuê vịt.

Đại bàng không bơi được, cũng chẳng đi bộ được. Nhưng về bay, nó là số 1.

Cho nên tôi khuyên bạn rằng, nên là đại bàng, chứ đừng nên là vịt.

Tuy nhiên, nếu vịt là dạng phát triển bề nổi, chiều ngang; và đại bàng là phát triển tập trung, chiều sâu, thì ông cho rằng, mô hình lý tưởng nhất là hình chữ T. Có nghĩa là có bề ngang đủ rộng ở nhiều lĩnh vực, nhưng có riêng 1 lĩnh vực thế mạnh phát triển thật sâu.

Bí quyết thành công là khi người ta còn trẻ, người ta nên tập trung phát triển chiều sâu trước, sâu nhất có thể. Rồi đến khi đi làm, trong các môi trường làm việc, tiếp xúc, người ta sẽ học được nhiều thứ để phát triển chiều ngang của mình. Còn nếu chưa gì đã phát triển chiều ngang, thì ở những năm tiếp theo của cuộc đời, ở lứa tuổi lớn hơn, sẽ rất khó để phát triển chiều sâu trở lại.

7. Cuộc đời, mê cung và những dead-end


Có bạn hỏi tôi: So sánh cuộc đời như bậc thang bộ, chứ không phải như thang cuốn quả là đúng. Nhưng người ta còn nói, cuộc đời giống mê cung. Sẽ ra sao nếu sau rất nhiều nỗ lực, rất nhiều cố gắng, bạn bỗng nhận ra - đó không phải là con đường mình muốn đi, cần đi? Sẽ ra sao nếu chúng ta bỗng nhận thấy mình đang ở đường cụt, và bế tắc?

Tôi trả lời rằng: "Tôi đồng ý cuộc đời giống như một mê cung vậy, nhưng tôi có thể đảm bảo với bạn một điều rằng, trong cuộc đời, chắc chắn không có cái gì gọi là "dead-end". Không bao giờ có một nơi gọi là đường cùng, chắc chắn sẽ luôn có lối thoát."

Vào năm tôi 25 tuổi, tôi trượt một kỳ thi quan trọng đến 4 lần. Tôi học giỏi hơn các bạn tôi, thế mà các bạn tôi thì đỗ, còn tôi thì trượt, trượt những 4 lần. Cũng năm đó, bố tôi qua đời. Và tôi không còn một cơ hội nào để có thể tiếp tục theo đuổi việc nghiên cứu và vượt qua kỳ thi đó nữa. Bây giờ tôi có thể kể lại khá dễ dàng, nhưng vào thời điểm đó, tôi cảm thấy mình lâm vào đường cùng, và suýt chút nữa đã tự tử.

Cuối cùng thì, tôi quyết định rẽ hướng, trở thành một giảng viên ở trường, bỏ tất cả mọi thứ để làm lại, học lại từ đầu. Trong cuộc đời tôi, đã có vài lần như thế, khi mà tôi dường như lâm phải đường cùng, và phải chọn bỏ lại tất cả để làm lại từ đầu.

Nhưng giờ đây, ở tuổi 52, khi tôi gặp lại những người bạn cũ - những người đã vượt qua kỳ thi mà tôi bị trượt năm ấy. Tất cả họ lại quay ra ngưỡng mộ tôi, và nói với tôi rằng 'Ước gì năm ấy tôi cũng trượt như ông.' Cho nên hãy tin tôi, rằng không có nơi nào là đường cùng hết.

Nếu bạn còn trẻ, thậm chí bạn đi được nửa cuộc đời hay đang ở 12h trưa như tác giả Kim Ramdo đã nói, và bạn khao khát cũng như muốn tìm hướng đi mới cho thành công của mình, hãy đừng ngần ngại tìm đọc cuốn sách Tương lai nghề nghiệp của tôi (Tôi còn cho rằng cuốn sách này có thể đặt tên là Tương lai nghề nghiệp và thành công của tôi), có thể bạn sẽ tìm thấy ánh sáng cho riêng mình.

Đọc thêm 

Tương lai nghề nghiệp của tôi cuốn sách cần thiết cho các bạn trẻ đang tìm hướng đi cho cuộc đời
Thế giới quả là rộng lớn và có rất nhiều việc phải làm cùng những bài học không bao giờ cũ

Blog Sở thích _ Việt Hà

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét