Để chạm tay vào hạnh phúc...

Đây là một bài review khác của tôi về cuốn sách Sự liều lĩnh vĩ đại đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần số 34, ra ngày 13/9/2015 vừa qua. Bản đăng trên báo đã được rút gọn lại cho vừa với không gian giới hạn của tờ báo; còn tại đây, tôi xin đăng lại nguyên bản bài viết để các bạn có thể nắm bắt được nhiều nhất tinh thần của cuốn sách. 

Có độ dày trung bình của một cuốn sách, 356 trang, nhưng Sự liều lĩnh vĩ đại- Daring Greatly(*) của tác giả Brené Brown không phải là một cuốn sách dễ đọc và có thể đọc nhanh được. Tuy nhiên, những điều tác giả Brené Brown chia sẻ trong cuốn sách thực sự rất xứng đáng để độc giả bỏ ra thời gian và công sức tìm hiểu; bởi bà đề cập đến việc đối mặt với sự tổn thương và hổ thẹn - cảm xúc mà một con người bình thường đều phải đối diện ít nhất một vài lần, thậm chí rất nhiều lần trong đời - để tìm lại cuộc sống hạnh phúc.

Sự liều lĩnh vĩ đại
 
Về nguyên do viết cuốn sách, Brené kể lại câu chuyện tổn thương của chính mình, từ việc đương đầu với các tổn thương thời trưởng thành, đến tổn thương sâu sắc nhất: sau khi hoàn thành chương trình cử nhân và thạc sĩ công tác xã hội, thì bà nhận ra rằng công tác xã hội không liên quan gì đến việc thay đổi xã hội, như lý tưởng bà vẫn hằng kỳ vọng!

Điều chắc chắn duy nhất Brené thu được từ quá trình học hỏi là: con người về mặt tâm lý, cảm xúc, nhận thức đều có nhu cầu kết nối, yêu thương và che chở. Điều này mang lại mục đích và ý nghĩa cho cuộc đời của chúng ta. Thiếu vắng sự kết nối, thế giới chỉ còn lại sự cô đơn và đau đớn. Tuy nhiên khi đề nghị những người tham gia nghiên cứu kể về những mối quan hệ quan trọng của mình, những trải nghiệm liên quan đến kết nối, thì họ chỉ kể cho bà nghe sự tổn thương do thất tình, phản trắc, tủi hổ và thất bại… Phải chăng là kết nối luôn luôn dẫn tới sự tổn thương? Vậy hạnh phúc mang lại từ kết nối có thể giải thích như thế nào? Có mối liên hệ nào giữa tổn thương và hạnh phúc hay không?

Những câu hỏi đó dẫn đến hành trình gần thập kỷ nghiên cứu với hàng ngàn câu chuyện, hàng trăm cuộc phỏng vấn dài, những nhóm chuyên đề của Brené về tổn thương, mối liên hệ giữa tổn thương và hạnh phúc, cách con người phải lựa chọn đối mặt với tổn thương khi kết nối để chạm tay được vào hạnh phúc. Và công trình nghiên cứu đầy chất nhân văn ấy được truyền tải đầy đủ trong cuốn sách Sự liều lĩnh vĩ đại này. 

Tổn thương

Theo Brené, có tới 12 loại hổ thẹn và tổn thương bủa vây con người trong cuộc sống hàng ngày: liên quan vẻ bề ngoài, tiền bạc và công việc, mối quan hệ với bố/mẹ, gia đình, bổn phận làm cha mẹ, sức khỏe tinh thần và thể chất, nghiện ngập, vấn đề về tình dục, sự lão hóa, tôn giáo, sống qua cơn bĩ cực, sống khuôn mẫu hoặc bị gắn nhãn. Trong đó nữ giới bị tổn thương nhiều nhất do các vấn đề liên quan vẻ bề ngoài, sự lão hóa, bổn phận làm mẹ và làm vợ. Ngay cả khi không lập gia đình, họ cũng bị gây tổn thương bởi các câu hỏi liên quan đến tình trạng độc thân, người yêu, thời gian sẽ kết hôn của họ...

Nam giới tổn thương nghiêm trọng nhất khi họ bị coi là hèn nhát, yếu đuối. Để chống chọi lại cái mũ chụp này, có người chọn cách phớt lờ, có người chọn cách xù lông lên; hậu quả là sản sinh ra những con người cứng nhắc, vô cảm, trốn tránh thực tế hoặc tệ hơn là gia trưởng và bạo lực… Như người đàn ông tham gia vào nghiên cứu của Brené thú nhận: “Tôi biến nỗi sợ hãi và sự tổn thương thành những cơn cuồng nộ và đè bẹp bất cứ ai ngáng đường mình. Vợ tôi. Các con tôi. Nhân viên của tôi.”

Trẻ em ngày nay lớn lên với thực đơn hàng ngày là những chương trình truyền hình thực tế, văn hóa ngôi sao và các kênh truyền thông xã hội không kiểm soát; rất nhiều trong số này hấp thu thông điệp, phát triển cảm nhận hoàn toàn lệch lạc về thế giới: tôi sống tốt chỉ bằng số lượng like trên FB và instagram. Chưa kể internet cho phép nhân rộng gấp nhiều lần những làn sóng ném đá, vùi dập các cá nhân một cách ác ý; khiến lũ trẻ nhiều khi bị tổn thương thì vĩnh viễn không cách nào giúp được, bởi chúng đã lựa chọn cách tự kết thúc cuộc sống của mình.


Sự tổn thương theo Brené chính là sự gói gọn lại của “văn hóa không bao giờ là đủ”, coi trọng sự hoàn hảo đã ăn sâu vào đầu óc nhiều thế hệ con người. Chúng ta tổn thương bởi chúng ta luôn cảm thấy mình không đủ đẹp, không đủ giàu, không đủ mảnh mai, không đủ thông minh, không đủ thăng tiến… Sự tổn thương khiến chúng ta ngắt bỏ kết nối, co mình lại và giấu mình đi. Nhưng ngay cả khi đơn độc một mình, nếu người đó vẫn thấy còn sợ hãi, giận dữ, phán xét, kiểm soát, đòi hỏi sự cầu toàn… điều đó có nghĩa sự tổn thương vẫn tiếp tục tấn công họ.

Né tránh sự hổ thẹn và tổn thương gây ra sự đứt gẫy kết nối, những rạn nứt và rất nhiều bất đồng, đau khổ trong cuộc sống gia đình, trong mối quan hệ giữa vợ chồng, bố mẹ và con cái… Con người không thể đóng băng những cảm xúc này, mà không đóng băng những tác động, cảm xúc khác của mình. Bởi khi chúng ta ghìm nén sự tổn thương, thì đồng thời chúng ta cũng đóng băng niềm vui, sự biết ơn, niềm hạnh phúc… Trong nền văn hóa bị sự hổ thẹn thống trị, khi các bậc phụ huynh, các nhà lãnh đạo và điều hành khuyến khích 1 cách có ý thức hay vô thức việc gắn kết giá trị của bản thân mọi người vào sản phẩm của mình; thì ở đó có sự lỏng lẻo, đổ lỗi, hào nhoáng, hời hợt, thiên vị và chắc chắn là thiếu thốn sự sáng tạo và đổi mới. Bởi sự hổ thẹn trở thành nỗi sợ hãi. Nỗi sợ hãi dẫn đến ngại mạo hiểm. Ngại mạo hiểm sẽ giết chết sự sáng tạo.

Điều may mắn là trong cuốn sách, cũng là công trình nghiên cứu cực kỳ có ý nghĩa này, Brené đã gọi việc dũng cảm đối mặt với tổn thương là một sự liều lĩnh vĩ đại, đồng thời chứng minh sự đúng đắn và khuyến khích mọi người thực hiện sự liều lĩnh này. Những người dũng cảm dấn thân vào cuộc đời, dám đối mặt với tổn thương được bà gọi là những người Sống Toàn Tâm, và hầu hết đều là những người hạnh phúc trong cuộc sống của mình. Những người này rất đơn giản, họ có dũng khí để là một - người - không - hoàn - hảo. Họ có lòng thương cảm để trở nên tử tế với chính mình trước, và sau đó là với người khác. Bởi vì chúng ta không thể tử tế với người khác, nếu như chúng ta không đối xử một cách tử tế với chính mình. Kết quả là họ có thể từ bỏ khuôn mẫu mà họ nghĩ mình phải đạt tới, để trở thành chính bản thân mình. Và quan trọng là họ nghĩ mình xứng đáng để kết nối.

Bạn xứng đáng để kết nối


Tập cách Sống Toàn Tâm, cũng là luyện tập cách thích ứng với hổ thẹn và tổn thương, cần phải được rèn luyện trong thời gian dài. Mỗi người cần phải viết hoặc kể ra được những hổ thẹn và tổn thương của mình, để thoát khỏi được chúng, ngược lại chúng ta sẽ mãi mãi bị ám ảnh và lún sâu trong cái hố và nanh vuốt của chúng.

Khi còn nhỏ, chúng ta luôn tìm cách để bảo vệ bản thân khỏi sự tổn thương, khỏi bị đau, bị hạ thấp và bị thất vọng. Chúng ta khoác lên mình chiếc áo giáp; sử dụng tư duy, tình cảm và hành vi như những vũ khí; chúng ta học cách thu mình, thậm chí là biến mất. Khi trưởng thành chúng ta nhận ra rằng để sống can đảm, có mục đích và kết nối – để thực sự là mình – chúng ta phải chiến đấu với tổn thương. Chúng ta cần cởi áo giáp, buông vũ khí và lộ diện. - Brené Brown

Việc chia sẻ tổn thương cũng không phải là sự chia sẻ thái quá theo kiểu của các ngôi sao trong thế giới truyền thông. Mà nó là sự chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm cá nhân với những người xứng đáng được lắng nghe. Những người sẽ không bao giờ chỉ trích, xì xào khi chúng ta vấp ngã. Họ sẽ đứng cùng và chiến đấu cùng chúng ta trên 1 trận địa.

Đặc biệt, tổ ấm phải là nơi con người trở về với bản thể can đảm nhất và sợ hãi nhất. Đó là nơi diễn ra những cuộc trò chuyện khó khăn nhất, nơi chia sẻ những khoảnh khắc tủi hổ nhất ở trường học hay công sở… Đơn giản con người không thể học cách đối mặt với tổn thương hay dũng cảm hơn khi cứ tự mình xoay xở. Cảm thông và kết nối chính là chiếc thang bắc qua cái hố của tổn thương. Chúng ta buộc phải có khả năng nói xem mình cảm thấy như thế nào, mình cần và ham muốn điều gì, và bên cạnh đó chúng ta buộc phải có khả năng lắng nghe với một trái tim và tâm hồn rộng mở. Sẽ không thể có được tình thân, nếu không có thương tổn và quá trình chiến đấu với thương tổn.

Hơn thế nữa, khi dám đối mặt với tổn thương, con người sẽ tìm ra được dũng khí cần có để phản ứng lại với nó theo cách thức tương hợp với các giá trị của bản thân, thay đổi cuộc sống, công việc, cách thức lãnh đạo và cả cách nuôi dạy con của mình. 

Đối mặt với tổn thương để có thể chạm tay vào hạnh phúc

Brené nói, khi dũng cảm đối mặt với tổn thương, khi ta ôm những đứa bé hoàn hảo trong tay, ta sẽ không chỉ nói: “nhìn kìa nó thật là hoàn hảo” và nghĩ: công việc của ta là giữ cho nó hoàn hảo, đảm bảo rằng nó có thể học trường chuyên này, hay đỗ đại học kia, trở thành những ông này, bà nọ… Công việc của chúng ta là phải nói với chúng rằng: “Con biết không? Con không hoàn hảo và con phải tranh đấu , nhưng con đáng được trân trọng với tình yêu và sự gắn kết”. Thay đổi cách nuôi lớn một thế hệ trẻ thơ, con người - chúng ta sẽ kết thúc được những vấn đề nan giải mà chúng ta đang phải đối diện ngày hôm nay.

Cá nhân tôi cho rằng Sự liều lĩnh vĩ đại thật xứng đáng với những lời ca tụng là một cuốn sách xuất sắc và đầy chất nhân văn có thể thay đổi cuộc sống của mỗi người. Trên thực tế, cuốn sách nằm trong Top sách bán chạy nhất của New Yorks Time, tờ báo uy tín nhất nước Mỹ về điểm sách. Trên website bán hàng trực tuyến sôi động nhất nhì thế giới amazon.com, cuốn sách cũng nhận được gần 2,000 bình luận và hiện đang đứng thứ hai trong Top sách self-help bán chạy nhất (thông tin này đồng thời cũng có thể thay đổi nhận thức của độc giả Việt với dòng sách self-help chăng? Rằng, sách self- help thực tế có rất nhiều thể loại, có dòng "cao cấp", có dòng "bình dân" chứ không chỉ đơn giản như các loại sách đã được xuất bản trên thị trường như hiện nay)

Tác giả cuốn sách, Brené Brown có một video nói chuyện về chủ đề này. Đến nay, bài nói chuyện đó đã trở thành một trong những video được xem nhiều nhất trên TED.com(**), với hơn 20 triệu lượt truy cập và được dịch ra 50 thứ tiếng. Cô cũng đi khắp nước Mỹ để trò chuyện về chủ đề này với các nhóm khán giả, từ top 500 công ty do Fortune bình chọn, các nhà huấn luyện lãnh đạo, quân đội, cho đến luật sư, các bậc cha mẹ, các trường học ở các quận hạt.

Điều thú vị là ngay cả khi video nói chuyện của Brené Brown được coi là là video truyền cảm hứng thay đổi cuộc sống cho hàng triệu người trên thế giới, thì trong nền văn hóa đầy rẫy sự chỉ trích và giễu cợt, Brené vẫn nhận được hàng tá những bình luận gây tổn thương về thiên chức làm mẹ và vẻ bề ngoài của bà. Người chê bà thừa cân và nói bà nên đi giảm cân đi. Người thì ác ý “Nghiên cứu ít thôi. Bơm botox nhiều lên”… Bà thừa nhận những bình luận ác ý đó thoạt đầu khiến bà bị tổn thương, nhưng quá trình rèn luyện đã lập tức khiến bà lấy lại sự cân bằng, bởi những con người cay độc ấy chỉ có thể tấn công vào vẻ bề ngoài của bà, mà không dám đụng đến trí tuệ hay những lập luận của bà.

Đọc thêm:
Tư duy nhanh và chậm - Để hợp nhất hai cái tôi trong một con người 
Ba cuốn sách sáng tạo, truyền cảm hứng và đầy chất hài hước
Nhật ký mẹ chồng tiểu thuyết thú vị dành cho những người làm vợ, làm mẹ!

Việt Hà - Blog Sothich.net

(*)Sự liều lĩnh vĩ đại,  Alpha Books và NXB Khoa học xã hội ấn hành 2015.
(**) Một tổ chức phi lợi nhuận ra đời với sứ mệnh lan tỏa “Những ý tưởng xứng đáng lan truyền” – Ideas Worth Spreading

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét