Nhật ký mẹ chồng: tiểu thuyết thú vị cho những người đã và sẽ làm vợ, làm mẹ!

Đọc xong cuốn tiểu thuyết Nhật ký mẹ chồng đã lâu, mà hôm nay tôi mới có thời gian viết về nó. Cuốn tiểu thuyết này không phải là một tác phẩm văn học cao siêu, đề cập đến những vấn đề triết học sâu xa như số phận con người, đạo đức, đúng sai... mà đơn giản chỉ viết về cuộc sống và mối quan hệ của một bà mẹ chồng với nhiều hơn một nàng dâu, bên cạnh rất nhiều các mối quan hệ tương tự thế, để cuối cùng Nhật ký mẹ chồng rút tỉa cho người đọc rất nhiều kinh nghiệm hữu ích cho cuộc sống, đặc biệt là với những người đã/ đang/ và sẽ làm vợ, làm mẹ.


Nhật ký mẹ chồng


Lena, nhân vật tôi của cuốn tiểu thuyết Nhật ký mẹ chồng, một phụ nữ tuổi ngũ tuần, có nhu cầu giao lưu ngày càng ít đi theo năm tháng, bỗng nhiên phải đối mặt với một phức tạp mới: Danka, đứa con trai độc nhất vẫn còn là "đồ ngốc" mà cô tha thiết yêu thương bỗng nhiên nằng nặc muốn kết hôn ở tuổi 23. Thuyết phục con thế nào cũng không được, đồng thời cũng chán ngấy việc hàng đêm thức đợi con đi hẹn hò về, Lena quyết định quăng mình vào loạt hoạt động mà cô không hề thích thú: làm quen với ông bà thông gia xa lạ, học cách thích nghi với cô con dâu Nhiusya trẻ tuổi đỏng đảnh, hy sinh kỳ nghỉ hè ở biển để đáp ứng mọi đòi hỏi vô lý của đôi trẻ về đám cưới trong nhà hàng "với tất cả những kiểu cách xuẩn ngốc và vô cùng tốn kém của nó", thích nghi với thái độ của con trai giờ đây đã coi vợ là nhất, nhì mới đến giời;  trải qua thời gian kiệt sức, rã rời vì mua sắm và tổ chức đám cưới... Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu.

Tiếp đến là chuỗi ngày dài u ám, cô con dâu trở về nhà bố mẹ chồng sau tuần trăng mật ngồi trên đi- văng với vẻ mặt bất cần, trong khi chồng mình cho bố mẹ xem ảnh và hào hứng chia sẻ cảm xúc. Bố mẹ chồng không nhận được từ cô con dâu một lời cảm ơn chứ đừng nói là quà lưu niệm, thậm chí còn phải tự hỏi "điều gì có thể làm cô ta hào hứng, vui vẻ, để nở nụ cười chân thành với gia đình chồng?". Rồi tiếp đó, ngày qua ngày, bà mẹ chồng Lena, "vẫn như trước, lăn vào bếp nấu bữa trưa và bữa chiều, rửa bát, giặt là, dọn dẹp căn hộ...", còn cô con dâu tuần qua tuần chỉ có việc lên lớp bữa đực bữa cái (vì đang học năm cuối) và suốt ngày ngủ trương vì... làm tình quá nhiều!

Hai tháng sau ngày cưới Nhiusya cấn thai. Nôn nghén, mệt mỏi khi mang thai, nuôi con nhỏ là lý do quá chính đáng để bà mẹ chồng lại tiếp tục lăn lưng làm mọi việc trong gia đình kể cả việc chăm cháu sau giờ làm. Cho đến khi Nhiusya viện cớ vì quá stress, bỏ con lại cho chồng và gia đình nhà chồng, đi du lịch một mình, ngã vào vòng tay của một tay pha chế đồ uống và quyết định vứt bỏ tất cả để chạy theo tiếng gọi của tình yêu, bất chấp cả việc bố mình vì chuyện đó mà lên cơn đột quỵ và trở thành người tàn phế.

Đan xen với mối quan hệ giữa nhân vật tôi - bà mẹ chồng Lena với cô con dâu Nhiusya là câu chuyện của hàng chục các cặp mẹ chồng - nàng dâu khác là những người thân quen với nhân vật tôi. Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện, và dù nhân vật tôi luôn nhận mình là kiểu phụ nữ "không phải dạng vừa đâu", nhưng câu chuyện nào kể ra, từ chuyện của chính mình cho đến chuyện của người khác, bà đều muốn nhắn nhủ đến người đọc cốt lõi trong cách xử thế giữa mẹ chồng nàng dâu, để làm sao có được một mối quan hệ hoàn hảo êm đẹp.



Đó là: mẹ chồng nàng dâu là hai người xa lạ, vì một người mà trở thành người thân. Thế nên để yêu thương được nhau, trước tiên họ phải hào hứng, thân thiện và chân thành với nhau đã. Tiếp đó là sự quan tâm và trao cho nhau tình yêu. Không thể có tình yêu nếu chỉ có bà mẹ hoặc cô con dâu lăn lưng ra làm tất cả, cho đi tất cả; còn người kia chỉ thờ ơ hưởng thụ hay để ý đến lợi ích của bản thân mình.

"Tôi gọi điện từ chỗ làm về, bảo mình đang bị cảm lạnh và hỏi Nhiusya "Liệu con có thể luộc khoai tây cho bữa tối và nhân tiện chiên thêm ức gà mà mẹ đã rã đông từ trước?"

Trên đường về tôi cứ nghĩ mãi về chuyện cái ức gà, lần đầu (tôi nhờ con dâu nấu nướng) có lẽ chỉ cần khoai tây là đủ?

Nhưng hóa ra tôi đã dằn vặt mình vô ích. Không ức gà cũng chẳng khoai tây! Nhiusya ngủ trương, thậm chí còn chép miệng ngọt ngào! Những gì tôi nhờ nó làm đều là rác rưởi. Cả việc người chồng yêu thương của nó đi làm về đói meo cũng vậy... 

Tôi đi vào bếp. Trong bồn rửa bát là chảo trứng chiên, thìa nĩa cùng tách cà phê nổi lều bều bã. Còn trên sàn phòng tắm là chiếc sơ-mi bẩn của Danka.

Các người nói sự nhẫn nhịn nào? Tình yêu nào? Buồn cười thật đấy! 

Tôi định nghĩa tình yêu thế này: Yêu là quan tâm đến người mình yêu, khát khao mang tới cho người ấy niềm vui và sự hài lòng, kẻ cả khi nó đi ngược lại với lợi ích của mình.  Yêu là ý thức trách nhiệm chứ không phải là "nghỉ ngơi trên ghế đá và dạo chơi dưới ánh trăng". Còn vẻ vô cảm này chỉ là sự thờ ơ...

Bạn có thể thắc mắc liệu cuốn tiểu thuyết về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ở Nga xa xôi này liệu có phù hợp với người Việt hay không? Câu trả lời của tôi sau khi đã cất công tìm hiểu là: ở vị trí giao thoa giữa hai nền văn hóa Á, Âu; nơi mà nhiều gia đình như gia đình nhân vật tôi Lena, con trai sau khi lập gia đình vẫn ở cùng bố mẹ; thì bạn có thể tìm thấy trong cuốn tiểu thuyết Nhật ký mẹ chồng rất nét nhiều tương đồng với mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu của người Việt, đồng thời cũng có thể rút ra cho mình rất nhiều điều hữu ích nếu bạn đã/ đang hoặc sẽ làm mẹ/ làm vợ.

Nếu đã là một bậc phụ huynh, cái cách của vợ chồng nhân vật tôi đón nhận và chữa lành vết thương hôn nhân cho đứa con trai vẫn còn ngu dại, ngốc nghếch của mình, để cuối cùng nó cũng tìm được một bến bờ bình yên, có thể cũng là cách bạn cần tham khảo cho tương lai (dù thật lòng tôi không bao giờ mong ai phải trải qua tình huống như vậy). Nhưng bạn nhất thiết cần nhìn nhận lại cách dạy con của mình, xem có phải bạn đang quá nuông chiều con cái, biến chúng thành những đứa con ích kỷ chỉ biết nghĩ đến vui thú của bản thân như vợ chồng ông thông gia của Lena hay không; để điều chỉnh, để đừng phải đối mặt với một tương lai/ kết cục đau buồn như chính họ.

Tôi không biết tiếng Nga để có thể so sánh văn phong của cuốn tiểu thuyết Nhật ký mẹ chồng này với bản gốc. Nhưng tôi thích sự dí dỏm, chua cay, nhiều màu sắc của cuộc sống thực tại trong bản dịch tiếng Việt của cuốn tiểu thuyết này. Sự đồng nhất, mượt mà trong bản dịch - tiểu thuyết Nhật ký mẹ chồng  được hai dịch giả là chị Phan Xuân Loan và chị Nguyễn Thị Kim Hiền chuyển ngữ - cũng là điều khiến tôi cảm thấy thích thú. Tìm hiểu sâu hơn tôi được biết hóa ra hai dịch giả là hai người bạn đã cùng nhau trải qua thời thanh xuân sôi nổi ở xứ "Bạch Dương sương trắng, nắng tràn". "Gừng càng già càng cay", hai chị quả thật đã cùng nhau tạo ra một bản dịch hay có giọng điệu riêng, hấp dẫn với những người đã/ đang và sẽ luôn quan tâm đến việc tạo nên một góc nhỏ, một mối quan hệ ấm áp, hạnh phúc trong gia đình mình.

Tôi cũng cần nói thêm chút: Maria Metlitskaya - tác giả của cuốn tiểu thuyết Nhật ký mẹ chồng - thường được nhắc đến với các tác phẩm giúp độc giả giũ bỏ định kiến để có thể yêu thương những người xung quanh mình với tất cả sự không hoàn thiện của họ. Vậy nên tôi cho rằng nếu quan tâm, bạn nên tìm đọc cuốn tiểu thuyết gia đình khá hay ho và thú vị này!

Đọc thêm:


Những tiểu thuyết hay mà tôi từng đọc
35 cuốn sách hay nên đọc trong đời
Súp miso của bé Hana: để yêu thương nối dài ra mãi
Việt Hà - Sothich.net
Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét