Chiếc nắp cống trên con đường mới mở (Truyện ngắn của Việt Hà)

Đây là truyện ngắn đăng trên báo Tuổi trẻ chủ nhật tháng 8/2011 của tôi.
---
Con đường mới mở về phía tây thành phố toàn đi qua cánh đồng các quận huyện ven đô, nên suốt cả quãng đường dài hơn sáu cây số chỉ có hơn chục công trình đang dần dần hoàn thành từng hạng mục. Thế nên mỗi sáng đi làm trên con đường mới mở, cô đều nhận ra tức khắc những đổi thay dù nhỏ nhất trên đường.

Minh họa: Hoàng Tường
Kia là những dòng chữ vụng về đòi đất 5% của người dân sở tại mới bị công ty đối diện bên đường thuê người quét sơn xóa bỏ. Những dòng chữ lớn bị xóa lập tức được thay bằng những dòng chữ nhỏ hơn ở phía trên và phía dưới, khiến bức tường càng nhem nhuốc và thu hút sự chú ý. Dăm bảy người dân với hàng quán vừa bán nước, vừa nhằm yêu cầu đòi đất sáng nào cũng đúng giờ dân công sở đi làm thì dọn hàng và mắc lên các cây ven đường những tấm biển in nội dung tương tự trên tường rào.

Kia là quán phở 10 mới mở. Địa điểm ấy gần khu dân cư hơn cả, cạnh đó có một bãi đất trống mà bấy lâu nay cánh lái taxi tải vẫn đậu xe nhờ. Có thế thì người ta mới mở quán bán phở, chứ ở chỗ khác trên đường chắc người ta chẳng bao giờ dựng nên một hàng ăn tương tự, cô nghĩ vậy.

Gần đây nhất, mới tuần trước thôi, gần cây cầu bắc qua sông Nhị, người dân mới mở thêm ba, bốn cửa hàng cho thuê côppha, xà gồ, cây chống...

Có nhu cầu tất nhiên sẽ nảy sinh dịch vụ. Biết vậy nên cô thấy lo lắng một cách bất lực khi thấy cách quán phở 10 không xa mọc lên một hàng đồng nát thu gom mọi thứ: từ giấy báo, đồ nhựa hỏng cho tới sắt vụn... Nói chung là bất cứ thứ gì có thể tái chế được.

Những ai đọc nhiều thông tin liên quan đến xã hội, pháp luật trên báo chí, chịu khó quan sát, hay biết được những tính xấu của nhiều người thì có thể biết những hàng đồng nát gần các công trình lớn không chỉ thu mua đồ phế thải có thể tái chế. Rất nhiều trong số đó cũng là nơi tiêu thụ đồ gian mà cánh công nhân, thậm chí cả cánh quản lý, đánh cắp được từ công trình mang lại.

Nhưng cứ cho là thế thì điều đó có gì khiến cô phải lo lắng một cách bất lực? Nhiều người sẽ hỏi cô như vậy. Thật ra, cô không lo lắng cho các công trình sẽ bị thất thoát nhiều hơn, khi những kẻ gian lận có thêm kênh bao tiêu thuận lợi. Đó là việc của những người chủ, người quản lý các công trình và cô không bận tâm về chuyện đó. Điều khiến cô lo lắng ở đây là những… chiếc nắp cống hoàn hảo trên con đường mới mở gần hàng đồng nát!

Sống và làm việc bao năm ở thành phố này, cô không nhớ đã gặp bao nhiêu cái nắp cống trên những con đường thưa vắng dân cư, nhất là người đi lại về đêm, cứ sáng ra lại bị bốc hơi không còn tăm tích. Ngành giao thông công chính trong thành phố lắm khi cũng phải than trời vì cái tính tắt mắt vặt vãnh, khốn nạn đó của một số người.

Tưởng tượng một cái cống bỗng nhiên bị đánh cắp mất nắp và mở ra cái miệng toang hoác trong đêm. Tờ mờ sáng, những người dân ngoại thành hay ai đó có việc gấp gáp, vội vã phóng xe máy trên đường. Thậm chí họ chỉ cần đi nhanh hơn bình thường một chút, nhìn thấy cái miệng cống toang hoác mà không kịp bẻ lái. Bánh xe lọt thỏm xuống hố. Còn người thì theo quán tính xô đập về phía trước, văng ra xa. Trời ơi, nhiều khi cô không dám tưởng tượng cụ thể cảnh tượng ấy.

Cô để ý thấy những nắp cống bị đánh cắp ấy rất hay xuất hiện gần những hàng đồng nát.

Con đường mới mở mà cô hay đi hầu như không có dân cư bên đường và rất thưa vắng về đêm.

Vì vậy, cô lo cho số phận của những chiếc nắp cống gần hàng đồng nát kia. Và hằng ngày, bên cạnh việc chạy xe, lúc đi cũng như lúc về, cô tự cho mình có thêm một nhiệm vụ là quan sát các nắp cống. Nhưng để làm gì xa hơn, chính cô cũng chưa biết. Tạm thời cứ thấy chúng nằm im ở vị trí của mình là cô yên tâm rồi.

***

Hai tháng. Ba tháng. Rồi bốn tháng. Những chiếc nắp cống vẫn nằm im ở vị trí của mình. Cho đến sáng nay.

Chính xác là sáng nay. Trên chiều đường cô đi làm, ở vị trí cách hàng đồng nát chừng năm trăm mét, cô nhìn thấy một chiếc nắp cống bị đào nham nhở xung quanh, khiến ai đi qua cũng phải đánh lái sang một bên, ngược lại sẽ phải hứng một cú xóc “biết mặt anh hùng”.

Trời đã sáng rõ nên có thể nhìn thấy chiếc nắp cống bị đào xới từ hai chục mét. Cô cho xe chạy chầm chậm qua. Những vết chọc phá nhựa đường xung quanh giống như những vết chọc phá bằng xà beng. Chiếc nắp cống vẫn còn nguyên, nhưng có lẽ ai đó còn muốn bẩy lên cả phần đế nắp được gắn chặt vào mặt đường.

Đơn vị giao thông công chính phụ trách con đường này chăng? Cô tự hỏi rồi lại tự trả lời, chắc chắn là không phải! Con đường này mới được đầu tư cả trăm tỉ đồng, được gắn tên là công trình kỷ niệm một sự kiện lịch sử vĩ đại của thủ đô, nó không thể có một nắp cống bị lỗi đến mức phải cạy tung để sửa lại như thế. Cô thật sự tin vào giả thiết đầu tiên xuất hiện trong đầu: một bọn gian manh nào đó đang muốn đào lên và ăn cắp cả bệ lẫn nắp của cái cống này!

Cô muốn làm một việc gì đó như báo cho đơn vị giao thông công chính phụ trách con đường này chẳng hạn. Nhưng là đơn vị nào mới được cơ chứ? Cô chưa bao giờ thấy những thông tin như vậy xuất hiện trên những phương tiện truyền thông đại chúng. Hoặc đúng hơn là cô chưa bao giờ để ý đến những thông tin tương tự. Ngoài các chuyên mục xã hội, kinh tế, văn hóa và thế giới, đôi khi là pháp luật, cô ít khi để ý thêm các chuyên mục khác trên báo chí.

Liệu dùng Google, phương tiện tìm kiếm thông tin trên Internet thông dụng nhất hiện nay, cô có tìm được thông tin của đơn vị phụ trách đoạn đường này không nhỉ? Hay hỏi 1080? Hoặc gọi điện hỏi chồng cô, một nhà báo, nhờ giúp đỡ. Ừ, nếu cô nhất định muốn tìm thông tin đó, thể nào cô cũng tìm được. Cô sẽ tranh thủ giờ giải lao ở chỗ làm để tìm kiếm nó, cô tự nhủ.

Công việc ở chỗ làm bận rộn như nhiều ngày vẫn thế, khiến cô quên khuấy chuyện hỏi thông tin đơn vị phụ trách con đường. Lúc này máy tính cũng đã tắt. Người bảo vệ công ty thì giục giã những người cuối cùng ra khỏi văn phòng để anh ta còn khóa cửa. Cô chắc lưỡi, đành để ngày mai vậy.

Đi ngang qua chiếc nắp cống đang bị phá dở, từ chiều đường bên này cô cố liếc sang bên kia xem nó có còn nguyên đó không. Nó vẫn còn nguyên đó. Lẽ dĩ nhiên là vậy! Cô tự trả lời. Vì nếu đúng có kẻ phá hoại để ăn cắp chiếc nắp cống đó thì có cược thêm tiền chúng cũng không dám ra tay giữa ban ngày ban mặt thế này. Nhưng đêm nay, có thể chúng sẽ tiếp tục đục phá, và cái nắp cống kèm theo cái bệ có thể biến mất.

Không biết có ai ở đơn vị phụ trách đi kiểm tra con đường vào hôm nay không nhỉ? Hoặc có ai trong những người đi đường biết đơn vị phụ trách và trình báo vụ việc với họ hay không? Nếu đêm nay cái nắp cống bị mất thật thì sao? Liệu có xảy ra tai nạn nào không nhỉ?

Suốt đường về và trong tất cả những lúc rảnh rỗi của buổi tối, đầu cô cứ miên man những câu hỏi đó cho tới khi nặng nề chìm vào giấc ngủ.

Cô tà tà chạy xe đến gần chiếc nắp cống bị cạy dở hôm trước. Gần đến nơi, cô hụt hơi khi nhìn thấy một nhánh cây lòa xòa cành lá được cắm trên miệng cống. Chiếc nắp cống đã bị ăn cắp thật rồi!

Đọc những cuốn sách viết về thói hư tật xấu của người Việt, cô thấy các nhà nghiên cứu thường viết ý thức xã hội của người Việt cực kém. Họ có thể đổ xô vào các vụ tai nạn để nhòm ngó vụ tai nạn và nạn nhân, khiến đoạn đường bị tắc nghẽn hàng tiếng đồng hồ, nhưng những vụ việc đòi hỏi ý thức trách nhiệm của họ để giữ gìn trật tự xã hội, giúp xã hội được tốt đẹp hơn thì họ lại lảng tránh, coi đó là việc của ai chứ không phải là việc của mình.

Trong trường hợp này, cô cũng không coi trọng trách nhiệm phải tìm kiếm và thông báo cho đơn vị phụ trách con đường về cái nắp cống tình nghi bị đào trộm. Dù cô biết rõ những tai nạn cực kỳ nguy hiểm mà nó có thể gây ra cho người đi đường.

Không biết cái nắp cống bị mất vào giờ nào đêm qua? Liệu có ai bị tai nạn do cái miệng cống đột nhiên mở ra toang hoác hay không? Người nào đã phát hiện cái miệng cống và bẻ cành cây cắm vào đó để cảnh báo? Ông ấy, bà ấy, anh ấy hay chị ấy có phải là người đầu tiên suýt lao xuống miệng cống đó không? Hay ông ấy, bà ấy, anh ấy hay chị ấy là người thứ không đếm nổi suýt bị lao xuống miệng cống và quyết định dừng xe, bẻ một nhánh cây bên đường cắm xuống miệng cống để cảnh báo cho những người khác?

Mải suy nghĩ nên cô giật thót mình khi nghe ai đó hét lên:

- Cô sắp lao vào miệng cống tiếp nữa kìa!

Cô giật mình tỉnh dậy trong bóng tối. Tim cô nhảy choi choi trong lồng ngực và mồ hôi thì đầm đìa khắp trán. Giấc ngủ về sáng của cô chập choạng như thể cô đang lo lắng về một trong những thời khắc quan trọng nhất trong đời sẽ đến vào ngày mai.

***

Cô chạy xe đến gần cái miệng cống. Lần này là cô chạy xe thật, chứ không phải chạy xe như trong cơn mộng mị đêm qua.

Từ xa nhìn lại, cô không thấy có vật gì lạ cắm trên miệng cống. Cái nắp cống vẫn còn nguyên ở vị trí của mình chăng? Cô đi ngang qua và thở hắt ra khi thấy cái nắp cống vẫn nằm nguyên ở vị trí của nó. Những vết đục xới xung quanh miệng cống cũng hệt như ngày hôm qua. Cô đa nghi quá chăng?

Cô trải qua một ngày bình thường như bao ngày khác. Nhưng buổi đêm, không hiểu sao cô vẫn mơ giấc mơ giống như đêm trước. Chỉ khác lần này giấc mơ đến muộn hơn, và sau khi tỉnh dậy cô thức luôn đến sáng.

Cô quyết định đi làm sớm hơn thường ngày chừng mười phút. Gần đến chiếc nắp cống, cô không phát hiện thấy điều gì bất thường. Khi chạy xe qua, cô thấy mọi thứ quanh cái nắp cống cũng nguyên xi như trước. Đúng là cô quá đa nghi, cô tự kết tội mình.

Buổi tối, sau khi ru con ngủ, cô quyết định đọc sách lâu hơn thường lệ với mong muốn làm người mệt hơn, mắt mỏi hơn, và cô sẽ ngủ sâu hơn, không mộng mị nữa. Cuối cùng, cô cũng đạt được mục đích khi giấc mơ cả đêm không có điều gì liên quan đến cái nắp cống.

***

Cô chạy xe trên đường với tâm trạng thảnh thơi kỳ lạ. Nhưng kìa, tại sao ở chỗ cái cống lại mọc lên một cái cọc gỗ cao ngất thế kia? Cô chạy xe tới và nhận ra cái cống đang há cái miệng toang hoác. Nhưng cô còn giật mình hơn khi nhìn thấy những vạch sơn trắng phác hình chiếc xe máy và hai hình người đổ vật trên nền đường xám nhạt. Ở một hình người cô còn nhìn thấy một vệt loang màu đen đỏ.

Là máu khô! Máu đã chảy ra từ bộ phận nào trên cơ thể người bị ngã? Chảy ra từ đầu? Từ mồm? Hay từ bộ phận nào không biết? Cô rùng mình ớn lạnh. Dù máu chảy ra từ đâu…

_ Việt Hà _

LTS: Năm 1998, khi đang học đại học năm thứ nhất, tôi bắt đầu viết truyện ngắn với bút danh Tiểu Nhiên. Tờ báo đầu tiên đăng truyện ngắn của tôi là tờ Hoa học trò, sau đó đến báo Sinh viên. Sau đó hơn năm, tôi gửi truyện ngắn cho báo Tiền Phong chủ nhật, chú Hoàng Sơn -Thư ký tòa soạn của tờ báo khi ấy - góp ý bút danh của tôi có vẻ... trẻ con quá. Vì vậy tôi quyết định dùng tên thật của mình là Nguyễn Thị Việt Hà.

Với việc viết lách, tôi là người lười biếng, lâu lâu tự mình thấy thúc ép lắm mới ngồi vào bàn phím gõ gõ vài trang. Cái tên/ bút danh của tôi vô tình lại rất được ưa chuộng và trùng với nhiều người. Vì vậy, tôi lại băn khoăn đổi bút danh lần nữa. Và lần này tôi chọn bút danh là Việt Hà

Đọc thêm:
Những truyện ngắn của Việt Hà
Blog giới thiệu sách hay của Việt Hà

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét