Duy trì thường xuyên sự sáng tạo với "Thói quen làm nên sáng tạo- The creative habit"

Cách đây không lâu tôi được một người bạn gửi tặng cuốn sách Thói quen làm nên sáng tạo - The creative habit của tác giả Twya Tharp. Là một người có ít thời gian rảnh, lại có khá nhiều sách để đọc, tôi luôn có thói quen tìm hiểu về cuốn sách - đặc biệt là sách dịch - trước khi chính thức đọc nó. Nếu một cuốn sách nào đó không được nhiều độc giả đánh giá cao, tôi sẽ xếp nó vào hàng cuối trong danh sách “sách chờ đọc” của mình. Ngược lại tôi sẽ tranh thủ thời gian rảnh để khám phá nó.

Thói quen làm nên sáng tạo - The creative habit của tác giả Twya Tharp, vào thời điểm này tuy chưa phải là cuốn sách best-seller trên amazon trong mảng sách về sáng tạo; nhưng cũng là một cuốn sách đáng chú ý khi đã nhận được hơn 300 bình luận/ đánh giá, trong đó đa số là những bình luận/ đánh giá tích cực, tổng điểm reviews là 4 sao. Trên cộng đồng mạng đọc sách lớn nhất thế giới, cuốn sách cũng nhận được gần 900 bình luận, đánh giá. Tất cả những điều này đã thôi thúc tôi khám phá cuốn sách.

Thói quen làm nên sáng tạo - The creative habit

Làm sao có thể duy trì thường xuyên sự sáng tạo?

"Làm sao có thể duy trì thường xuyên sự sáng tạo" luôn là nỗi băn khoăn với những người thường xuyên hoặc ít nhiều phải thực hiện hành động sáng tạo trong công việc và cuộc sống của mình. Hầu hết mọi người đều cho rằng: việc sáng tạo sẽ được thực hiện dễ dàng khi chúng ta có cảm hứng. Nhưng nếu chúng ta không có cảm hứng, mà công việc lúc đó, vào thời điểm đó bắt buộc chúng ta phải sáng tạo, thì chúng ta cần phải làm gì?...

Với 35 năm kinh nghiệm sáng tạo của một trong những biên đạo múa vĩ đại nhất nước Mỹ - một người đã từng sáng tác hơn 130 vở múa và balê, thường xuyên phải đứng trước áp lực sáng tạo “Các vũ công mong mỏi tôi sẽ thành công (trong sáng tác một vở diễn mới) vì vũ đạo của tôi chính là sinh kế của họ. Các đại diện nhà hát cũng kỳ vọng điều tương tự vì họ đã bán ra rất nhiều vé… Chủ rạp cũng mong thế vì nếu không rạp hát của họ sẽ trống trơn suốt cả tuần”- tác giả Twya Tharp đã tiết lộ và chia sẻ với độc giả kinh nghiệm sáng tạo quý giá của mình trong cuốn sách Thói quen làm nên sáng tạo - The creative habit của bà. Và tôi cho rằng nếu bạn có băn khoăn về sáng tạo, cảm hứng sáng tạo, bạn nên dành thời gian để khám phá những kinh nghiệm và lời khuyên quý giá trong cuốn sách này.

Hãy hít thở sâu và bắt đầu!

Cảm hứng là có thật, nhưng nó chỉ đến khi ta làm việc”. Viện dẫn câu nói cũng như thói quen làm việc nổi tiếng của danh họa Pablo Picasso, cùng rất nhiều tấm gương khác, Twya Tharp cho biết khả năng sáng tạo của bà giống như nhiều danh nhân nổi tiếng khác đều bắt nguồn từ thói quen làm việc chăm chỉ và kỷ luật: “Sự sáng tạo đỉnh cao là kết quả của thói quen lao động tích cực…”. Và tiếp đó, Twya Tharp bắt đầu chia sẻ với độc giả quy trình, cách thức chuẩn bị để sáng tạo mà mỗi người đều có thể học và sau đó biến nó trở thành thói quen của mình.

Đầu tiên đó việc thực hiện “nghi lễ chuẩn bị”. Twya cho biết yêu cầu/ “áp lực” sáng tạo là điều mà bà phải đối mặt mỗi ngày và để sẵn sàng đón nhận điều đó, mỗi sáng bà đều thức dậy vào 5h30 sáng, bắt taxi đến phòng tập và tập thể dục trong suốt 2 tiếng đồng hồ sau đó. Hoạt động này giúp bà cảm thấy khỏe mạnh, được trang bị lòng tự tin và khả năng tự lực cánh sinh, đồng thời nó ngăn được nỗi sợ hãi khiến bà tê liệt trước khi kịp bắt tay vào thực hiện một nỗ lực sáng tạo mới. Và theo bà để sáng tạo, mỗi ngày chúng ta đều nên thực hiện nghi lễ chuẩn bị cho riêng mình. Bà viết “Việc xây dựng một nghi lễ khởi động sẽ buộc bản thân bạn phải tiến lên mỗi ngày, chế ngự được nỗi sợ hãi và đặt những mối phân tâm vào đúng chỗ, sẵn sàng để bắt đầu”.

Tác giả Twya Tharp

Ở chương tiếp theo của cuốn sách, Twya Tharp viết về DNA sáng tạo của mình, đồng thời giúp độc giả khám phá DNA sáng tạo của chính họ thông qua bộ câu hỏi chi tiết ở cuối chương như: khoảnh khắc sáng tạo đầu tiên, ý tưởng tuyệt vời nhất, ý tưởng ngớ ngẩn nhất, nỗi lo sợ lớn nhất, “nàng thơ” là ai… Hiểu rõ các yếu tố trong DNA sáng tạo của mình, mỗi người chúng ta sẽ bắt đầu nhìn ra được cách thức chúng biến đổi thành hình mẫu trong sản phẩm. Chúng ta bắt đầu nhìn ra “câu chuyện” mà chúng ta muốn kể; lý do chúng ta thực hiện những việc đã làm; nhìn ra điểm mạnh, điểm yếu, giúp ngăn ngừa rất nhiều xuất phát điểm sai lầm…

Khi Homer sáng tác trường ca Iliad và Odyssey, ông đã dựa vào các sử liệu trải dài hàng thế kỷ và văn học dân gian truyền miệng.” Mở đầu chương 5 của cuốn sách bằng câu này, Twya Tharp khuyến khích độc giả khai thác tri thức của nhân loại và bộ nhớ của chính mình trong quá trình sáng tạo. Theo bà, sáng tạo chính là khả năng rút tỉa các sự kiện, những điều hư cấu và cảm xúc mà chúng ta lưu trữ, đồng thời tìm ra những cách thức mới để liên kết chúng. Thực tế, đây cũng là quan điểm của rất nhiều chuyên gia về sáng tạo mà tôi được biết như Austin Kleon với cuốn sách best-seller Steal like an artist- Tạm dịch: Ăn trộm như một nghệ sĩ.

Trong khi đó, trong chương thứ 5 của cuốn sách Twya Tharp miêu tả lại quá trình bà thu thập tư liệu chất đầy tới 12 thùng carton trước khi chính thức bắt tay vào viết vở nhạc kịch Broadway Movin’ out trên nền các bài hát của Billy Joel. Sự chuẩn bị này đã cho bà sự tự tin khi bắt tay vào sáng tác thực thụ, giống như một nhà báo giỏi thường dành nhiều thời gian và công sức để thu thập thông tin trước khi chính thức bắt tay vào viết bài.



Và còn rất nhiều kinh nghiệm và lời khuyên quý giá về sáng tạo được Twya Tharp chia sẻ trong cuốn sách Thói quen làm nên sáng tạo- The creative habit. Tất cả đang chờ bạn khám phá và áp dụng, để tạo nên những điều kỳ diệu trong công việc và cuộc sống của mình.

“Sáng tạo” là hành động được rất nhiều người yêu thích, thậm chí đóng khung thành một tượng đài để ngước nhìn lên một cách ngưỡng mộ. Trong suy nghĩ của họ, “sáng tạo” là một hành động gì đó rất cao siêu, và chỉ những người gắn với công việc nhìn thấy rõ sự sáng tạo như các nhà thơ, nhà văn, biên kịch, đạo diễn, họa sĩ, nhà thiết kế… mới là những người tạo nên sự sáng tạo. Thực tế, theo các chuyên gia về sáng tạo, bất cứ ai trong chúng ta dù làm nghề gì cũng thường xuyên sáng tạo, từ một người mẹ, một đầu bếp, công nhân chế tác, nhân viên truyền thông, marketing, bán hàng, doanh nhân… đến các chuyên gia kể trên.

Bất cứ khi nào chúng ta tạo ra được một thứ/ một điều mới mẻ, giúp công việc, cuộc sống tiến triển tốt hơn, đó là chính là lúc chúng ta đang sáng tạo. Nhiều khi sự sáng tạo của chúng ta có thể chỉ được gọi là Kaizen- tức là cải tiến, nhưng các chuyên gia về sáng tạo cho rằng thực chất hành động đó của chúng ta vẫn là sáng tạo. Và điều duy nhất bạn cần lưu ý là duy trì khả năng sáng tạo của mình bằng các hành động ví dụ như đọc và thực hành theo các hướng dẫn của Twya Tharp trong cuốn sách Thói quen làm nên sáng tạo- The creative habit này thôi.

Bài tập của Twya Tharp trong cuốn sách này rất thiết thực và có thể thực hiện được ngay lập tức - cho dù bạn là một người mới hoặc chuyên gia sáng tạo. Bà viết “Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp bạn trở nên sáng tạo hơn. Tôi không dám cam đoan mọi thứ bạn tạo ra sẽ đều tuyệt vời - điều đó tùy thuộc vào bạn – nhưng tôi dám hứa là nếu bạn đọc hết cuốn sách này và chỉ thực hiện một nửa số khuyên nghị thôi, bạn sẽ không bao giờ e sợ phải sáng tạo nữa. Sáng tạo sẽ trở thành thói quen của bạn”. Vậy bạn còn chần chừ gì nữa mà không khám phá cuốn sách này đi thôi!

Việt Hà - Chuyên viên truyền thông & Blogger điểm sách
Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét