4 cuốn sách kinh tế và quản trị đạt Giải Sách Hay 2020

Trải qua 10 mùa giải (2011- 2020), dù có nhiều thăng trầm, nhưng Giải Sách Hay đã tạo được tiếng vang đáng kể trong ngành sách, trở thành “bộ lọc” đáng tin cậy đối với rất nhiều độc giả yêu sách. Trong bài viết này tôi sẽ giới thiệu với các bạn 4 cuốn sách kinh tế và quản trị đạt Giải Sách Hay hạng mục Sách Kinh tế và Sách Quản trị trong mùa giải năm nay.

Sự giàu và nghèo của các dân tộc

su-giau-va-ngheo-cua-cac-dan-toc

Đạt Giải Sách Hay 2020 hạng mục sách kinh tế, thể loại sách dịch, cuốn sách “Sự giàu và nghèo của các dân tộc” (tác giả David S. Landes, dịch giả Sơn Phạm & Vũ Hoàng Linh; NXB Tri thức & Omega xuất bản) lý giải vấn đề giàu nghèo của các quốc gia, dân tộc trên thế giới với cách tiếp cận đa chiều, toàn diện, khoa học. Dựa trên sự phân tích tất cả các yếu tố quan trọng nhất gồm tự nhiên, con người, sự tác động qua lại giữa hai yếu tố này… tác giả đã lý giải được một cách khách quan nguyên nhân và con đường dẫn đến sự hưng thịnh hay lụi bại của các quốc gia, dân tộc trên thế giới.

Theo tác giả, sự giàu- nghèo đó chịu nhiều tác động của xuất phát điểm (điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, v.v). Mặt khác, điều đó phụ thuộc rất lớn vào: những phẩm chất, tính cách ở tầm dân tộc và các định chế xã hội thích hợp để thúc đẩy con người làm giàu một cách hiệu quả - đây là những điểm bất biến mà không quốc gia, dân tộc giàu có, phát triển nào thiếu vắng; đồng thời nó cũng giữ cho sự chênh lệch giàu-nghèo không gây ra những bất ổn, phân hóa có thể gây khủng hoảng, thậm chí là dẫn tới sự sụp đổ của hệ thống xã hội cũng như quốc gia.

Đọc cuốn sách “Sự giàu và nghèo của các dân tộc” mỗi quốc gia, mỗi dân tộc có thể nhìn vào các bài học thành công và thất bại của các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới, và biết cần trang bị cho dân tộc mình những gì để có cơ may bứt lên trong cuộc đua hướng tới sự phồn vinh.

Thần kỳ kinh tế Tây Đức giai đoạn 1949-1969

Than-ky-kinh-te-Tay-Duc

Tác phẩm này của tác giả Tôn Thất Thông đạt Giải Sách Hay 2020 hạng mục Sách kinh tế, thể loại sách viết (NXB Tri thức & Phương Nam Books xuất bản). Trong cuốn sách, tác giả sẽ chỉ ra những nhân tố quan trọng hàng đầu giúp Tây Đức đổ nát sau chiến tranh có thể vươn lên phát triển ngang bằng, thậm chí vượt trội so với nhiều nước xung quanh.

Trong đó, Mô hình Kinh tế Thị trường Xã hội được Tây Đức áp dụng là một công thức hòa giải giữa nguyên lý tự do trên thị trường và nguyên lý cân bằng xã hội trong một khung trật tự được nhà nước xây dựng và bảo vệ. Công thức hòa giải ấy có khả năng kết hợp hài hòa giữa lý tưởng bình đẳng, tự do con người và tăng trưởng kinh tế trong một thế cân bằng hợp lý… Và trong bối cảnh nền kinh tễ xã hội Việt Nam hiện tại, dường như những bài học, kinh nghiệm ấy vẫn còn nguyên giá trị để học hỏi.

Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4

dinh-hinh-cuoc-cach-mang-cong-nghiep-lan-thu-tu


Một loạt các công nghệ mới nổi từ trí tuệ nhân tạo đến công nghệ sinh học, các vật liệu tiên tiến đến điện toán lượng tử… đang tạo ra những chuyển biến nhanh chóng trong hoạt động kinh tế, xã hội, lối sống của con người… góp phần tạo nên cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Trong bối cảnh này, cuốn sách “Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (tác giả Klaus Schwab & Nicholas David, dịch giả Nguyễn Vân & Thành Thép, NXB Thế Giới & Thái Hà Books xuất bản) sẽ giúp độc giả có được hiểu biết toàn diện và hệ thống về cuộc cách mạng này, bản chất của từng loại công nghệ, sự gắn kết giữa các công nghệ mới nổi, các thách thức toàn cầu và hành động của nhân loại hiện nay. Từ đó độc giả được cung cấp thêm khả năng tham gia các cuộc đối thoại mang tính chiến lược xoay quanh các công nghệ mới nổi diễn ra trong và ngoài các cộng đồng, các tổ chức và thể chế mà mình là thành viên; chủ động định hình thế giới phù hợp với những giá trị chung của con người.  

“Định hình cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4” là tác phẩm đạt Giải Sách Hay 2020 hạng mục sách quản trị, thể loại sách dịch.

Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị kinh doanh


Đây là tác phẩm của TS Lê Hồng Nhật, đạt Giải sách hay 2020 hạng mục sách quản trị, thể loại sách viết (NXB Thanh niên & Alpha Books xuất bản).

Từ lâu, Lý thuyết trò chơi đã được ứng dụng rộng khắp trong quản lý chính sách công, đàm phán kinh tế, quản trị kinh doanh từ việc lập chiến lược cạnh tranh, đàm phán,  đến marketing, quảng cáo… Tuy nhiên do sự phức tạp, không phải ai cũng hiểu rõ và áp dụng được nhuần nhuyễn lý thuyết này vào công việc của mình.

Với cuốn sách “Lý thuyết trò chơi và ứng dụng trong quản trị kinh doanh”, TS Lê Hồng Nhật sẽ tước bỏ những khái niệm phức tạp về mặt toán học, giúp độc giả dễ dàng nắm bắt được Lý thuyết trò chơi, tiếp đó sử dụng lý thuyết này để có thể đưa ra những quyết định sáng suốt và hiệu quả trong việc đàm phán, cạnh tranh và hợp tác, sử dụng sức mạnh thương hiệu, sàng lọc khách hàng… thúc đẩy kinh doanh.

Thậm chí những chuyên gia, nhà ngoại giao làm việc tại các cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm với các hoạt động thương thảo, đàm phán cũng có thể tìm thấy trong cuốn sách nhiều phần nội dung hữu ích cho công việc của mình.

Đánh giá về cuốn sách chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận xét: "Không dùng những mô hình toán học rối rắm, không dùng những thuật ngữ chuyên môn phức tạp, chỉ bằng cách diễn đạt đầy trí tuệ mà thư thái, nhẹ nhàng, tác giả đã dẫn dắt người đọc đến với một lý thuyết thật hay, truyền đạt cho người đọc những tư tưởng, nội dung cốt lõi của lý thuyết đó, giúp người đọc nắm được vấn đề và cảm nhận được lý thuyết này có thể ứng dụng rộng rãi đến nhường nào trong công việc và cuộc sống của họ."

Đọc thêm: 10 cuốn sách kinh doanh gây ảnh hưởng nhất trong lịch sử

                 100 cuốn sách quản trị kinh doanh hay nhất mọi thời đại

--

Bạn có thể ủng hộ tôi duy trì website này bằng việc đặt mua cuốn sách này với chiết khấu tốt nhất tại link sau: Đọc sách cùng Hà - Thông tin đặt mua sách

Mời bạn đọc thêm về những vui buồn khi duy trì website này của tôi ở bài viết sau: Khi đam mê đưa lối dẫn đường.

--

Việt Hà ( Chuyên viên truyền thông & Blogger điểm sách)

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét