Vaxxers - Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống Covid-19 của các nhà khoa học Oxford
Đây là bài review của tôi về cuốn sách "Vaxxers - Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống Covid-19 của các nhà khoa học Oxford". Bài viết đã được đăng trên báo Khoa học và phát triển số ra ngày 10/12/2021. Tuy nhiên, do khuôn khổ có hạn của tờ báo giấy, bài viết của tôi đã được chị BTV cắt lại cho vừa trang.
Trong không gian bao la của blog này, tôi xin đăng lại đầy đủ bài viết của tôi để nếu bạn muốn tìm hiểu về cuốn sách, bạn có thể tham khảo trước bài viết này của tôi nhé.
--
Trong cuốn sách Vaxxers ra mắt gần đây, hai tác giả đứng sau thành công của vaccine ngừa COVID-19 AstraZeneca không chỉ giải tỏa những nghi vấn thường gặp đối với các loại vaccine quá mới này, mà còn truyền đi thông điệp: khoa học chính là giải pháp hữu hiệu cho nhân loại trong đại dịch COVID, cũng như các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.
Đó cũng chính là lý do khiến hai nhà khoa học Giáo sư Sarah Gilbert và Tiến sĩ Catherine Green, những người có công đầu trong việc phát triển ra vaccine AstraZeneca quyết định viết ra cuốn sách “Vaxxers – Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống COVID 19 của các nhà khoa học Oxford”, kể lại tường minh quá trình lao động của họ; thành phần cũng như tác động của vaccine này với cơ thể, sức khỏe của người tiêm trong khi dịch bệnh hoành hành…
Bạn có thể ủng hộ tôi duy trì website này bằng việc đặt mua cuốn sách này với chiết khấu tốt nhất tại link sau: Đọc sách cùng Hà - Thông tin đặt mua sách
Cuốn sách gồm 13 chương được viết với sự tham gia song hành của Giáo sư Sarah Gilbert và Tiến sĩ Catherine Green, trong đó tuần tự mỗi người sẽ viết một chương. Cách viết này khiến đôi lúc độc giả cảm thấy một vài sự kiện bị nhắc lại tới hai lần. Tuy nhiên về tổng thể “Vaxxers – Câu chuyện về cuộc đua phát triển vắc-xin chống COVID 19 của các nhà khoa học Oxford” vẫn là một cuốn sách mạch lạc, hấp dẫn cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho độc giả trong thời điểm dịch bệnh Covid 19 vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống như hiện nay.
Lật giở từng chương sách, hai tác giả dần dần hé mở cho độc giả “một trong những câu chuyện phi thường nhất trong lịch sử y học” mà họ đã góp công lớn để viết nên.
Phi thường là bởi việc phát triển một loại vaccine theo thông lệ cần khoảng thời gian trung bình là 10 năm. Trong khi, GS Sarah Gilbert và TS Catherine Green cùng các đồng nghiệp ở ĐH Oxford đã phát triển vaccine AstraZeneca chỉ trong gần một năm trời.
Ảnh chụp bài viết của tôi trên trang báo Khoa học phát triển
Thành công này của họ phải kể đến công nghệ phát triển vaccine nền tảng đã được GS Sarah Gilbert cùng đội ngũ của mình phát triển từ năm 2014, khi Ebola, căn bệnh cực kỳ đáng sợ bùng phát tại Guinea, Châu Phi.
Vì một số lý do, loại vaccine chống lại bệnh Ebola do nhóm bà phát triển không thể hoàn thành giai đoạn thử nghiệm thứ III; tuy nhiên, nhóm của GS Gilbert đã phát triển ra ChAdOxd1 - hay công nghệ nền tảng vaccine vector adenovirus của khỉ tái tổ hợp không sao chép, có thể sử dụng để phát triển nhiều loại vaccine khác nhau.
Minh bạch quá trình phát triển vaccine AstraZeneca, cuốn sách “Vaxxers” đem lại sự an tâm cho những người đã, đang và sẽ quyết định sử dụng loại vaccine này. Ngoài ra, ba phụ lục ở cuối sách cũng cung cấp cho độc giả thông tin ngắn gọn về các phương pháp phát triển, các loại vaccine hiện có trên thế giới và cụ thể tất cả các thành phần AstraZeneca cũng như tác dụng của nó.
Cuốn sách đồng thời cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức hữu ích về vaccin như:
Mặc dù hiệu lực của vaccine là con số quan trọng, nhưng tác động thực sự của vaccine không chỉ phụ thuộc vào nó; mà còn phụ thuộc vào lượng vaccine chúng ta có thể làm ra (cung cấp), đưa nó đến cho bao nhiêu người (phân phối), và bao nhiêu người trong số đó trong số đó sẽ tiêm nó (chấp nhận).
Công nghệ mRNA có thể giúp sản xuất vaccine một cách nhanh chóng sau khi bộ gen của mầm bệnh được xác định. Tuy nhiên mRNA không ổn định, nên cần kết hợp với lipid, khiến quá trình sản xuất, bảo quản phức tạp hơn. Tủ bảo quản các loại vaccine này phải có độ âm rất sâu, tốn kém chi phí; trong khi vaccine sản xuất theo công nghệ Adenovirus tái tổ hợp không sao chép thì ngược lại có chi phí rẻ hơn, dễ dàng bảo quản bằng tủ lạnh thông thường. Đây là điều cực kỳ có ý nghĩa trong điều kiện dịch bệnh lây lan nhanh.
Thứ hai, hiệu lực trong thử nghiệm lâm sàng đôi khi cũng có khác biệt so với “hiệu quả bảo vệ thực tế” trong thế giới thực. Có lẽ trong mớ bòng bong thông tin về dịch bệnh COVID-19 nhiều người đã ghim vào đầu thông tin: hiệu lực bảo về của vaccine Pfizer, Moderna đạt tới 90-95%, trong khi AstraZeneca chỉ đạt được 70%. Trên thực tế, nghiên cứu trên toàn bộ dân số Scotland[D1] , bao gồm 1,1 triệu người đã tiêm, vaccine Pfizer có hiệu quả 85% trong việc ngăn ngừa nhập viện 3 tuần sau liều đầu tiên. Kết quả này ở vaccine AstraZeneca là 94%! Thử nghiệm vaccine AstraZeneca do Mỹ tiến hành độc lập cũng đưa ra kết quả Astra Zeneca có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa COVID có triệu chứng và hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa các ca bệnh nặng…
Giới thiệu công nghệ phát triển vaccine nền tảng ChAdOx1, hai tác giả đưa ra thông điệp: đây là bước tiến vô cùng quan trọng, giúp họ có thể rút ngắn quá trình sản xuất vaccine xuống thời gian ngắn nhất như đã làm với vaccine COVID 19; và là chìa khóa giúp họ có thể tiếp tục góp phần giải quyết các thách thức khi virus tiếp tục biến đổi hoặc một dịch bệnh nguy hiểm khác có thể xuất hiện trong tương lai.
Bởi với nền tảng này, các nhà khoa học không cần phải lặp lại mọi công việc khi phát triển một loại vaccine mới. Kiến thức về cách sản xuất, cách bảo quản, liều lượng tiêm, cách thức thử nghiệm … có thể áp dụng cho mọi loại vaccine.
GS Sarah Gilbert và TS Catherine Green. Ảnh: dailymail.co.uk
Tuy nhiên, như hai tác giả đã chỉ ra trong cuốn sách “Vaxxers”, trong quá trình này các nhà khoa học vẫn phải đối mặt với rất nhiều thách thức như việc quyết định bắt đầu nghiên cứu vaccine chống lại một loại virus cụ thể nào và việc bắt đầu thử nghiệm lâm sàng... “Tiền, tiền, tiền” là vấn đề làm đau đầu các nhà khoa học bởi ngân sách dành cho việc nghiên cứu của họ luôn bị bó hẹp, và họ luôn cần phải xin tài trợ mỗi khi muốn thực hiện một dự án. Quá trình này nhiều khi kéo dài tới cả năm trời, vì việc phát triển vaccine rất tốn kém. Các công ty nhỏ và các nhà khoa học tại các trường đại học không có đủ cơ sở vật chất để tiếp tục đến tận bước cấp phép. Các công ty dược phẩm lớn, vốn cần phải tạo ra lợi nhuận cho các cổ đông của họ, lại không có động lực đầu tư vì có thể lợi nhuận không lớn.
Thông tin gây ngạc nhiên với người ngoại đạo là ngoài việc nghiên cứu, các nhà khoa học như hai tác giả - dù được các trường đại học tuyển dụng chính thức - vẫn phải dành rất nhiều thời gian để xin tài trợ từ quỹ này hay quỹ khác để trang trải chi phí nghiên cứu cùng lương cho chính mình và những người trong nhóm. Các điều kiện tài trợ ngặt nghèo hoặc thiếu linh hoạt cũng khiến những người đứng đầu nhóm nghiên cứu khó giữ chân được những nghiên cứu viên xuất sắc khác vì sự thiếu ổn định và áp lực thường xuyên…
Với đại dịch COVID 19 đã giết chết hàng trăm nghìn người, khiến xã hội đình trệ; và nhu cầu vaccine để kiểm soát dịch bệnh đã trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết; từ tháng 1 đến tháng 3/2020, hai tác giả đã phải có quyết định khác thường: chuyển tiền từ dự án khác sang dự án này, chấp nhận đối mặt với rủi ro tài chính cho trường đại học, cho uy tín chuyên môn; để tiếp tục tiến hành được các việc nghiên cứu quan trọng trước khi nhận được nguồn lực rộng rãi của Chính phủ vào tháng 4/2020!
Với tư cách là những nhà khoa học, hai tác giả cũng đưa ra nhiều đề xuất cho các tổ chức nghiên cứu, chính phủ tại Anh và trên toàn thế giới về cách thức hợp tác, đầu tư cho nghiên cứu khoa học để ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID 19 hiện nay cũng như nhiều dịch bệnh có thể xuất hiện trong tương lai.
Sarah là một nhà nghiên cứu có 3 người con, bà từng bị chứng mất trí nhớ tạm thời vì những căng thẳng trong nghiên cứu. Catherine thì ly hôn và nuôi con một mình ngay trong thời gian chạy đua để phát triển vaccine COVID 19. Áp lực và sự vất vả họ phải trải qua trong lát cắt thời gian phát triển loại vaccine này với vai trò vừa là những nhà nghiên cứu, vừa là người vợ, người mẹ khiến độc giả càng thêm cảm phục quá trình lao động cần mẫn, miệt mài và tinh thần vì khoa học, vì con người của họ.
Nhận xét về cuốn sách, Tạp chí Financial Times viết: “Xuất sắc và đáng đọc! Quá trình sản xuất vaccine chưa bao giờ được giải thích rõ ràng hơn... Tác phẩm sống động về cách các nhà nghiên cứu phản ứng khi phải đối mặt với một thách thức khoa học khẩn cấp này thực sự hay đến nỗi có thể nó sẽ còn được độc giả tìm đọc lâu dài kể cả khi đại dịch kết thúc.”
--
Bạn có thể ủng hộ tôi duy trì website này bằng việc đặt mua cuốn sách này với chiết khấu tốt nhất tại link sau: Đọc sách cùng Hà - Thông tin đặt mua sách
Mời bạn đọc thêm về những vui buồn khi duy trì website này của tôi ở bài viết sau: Khi đam mê đưa lối dẫn đường.
--
Việt Hà - Chuyên viên truyền thông & Blogger điểm sách
Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét