Ý chí - Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người

Có gì lạ trong cuốn sách có tiêu đề đầy chất self-help “Ý chí – Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người” để nó có thể trở thành cuốn sách bán chạy nhất trong năm 2011 của tờ New York Times?

Y-chi-hanh-trinh-tai-kham-pha-suc-manh-lon-nhat-cua-con-nguoi

Đây cũng chính là câu hỏi khiến tôi phải tò mò khám phá nó. Và không hổ danh là một cuốn sách bán chạy nhất trong năm của một tờ báo uy tín hàng đầu nước Mỹ, “Ý chí – Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người” có thể cung cấp cho mọi độc giả quan tâm những lý lẽ thuyết phục nhất về khái niệm, tác động cũng như cách thức rèn luyện nguồn sức mạnh giúp cuộc sống của mỗi người không chỉ năng suất, viên mãn mà còn dễ dàng và hạnh phúc hơn.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid đang làm xáo trộn, thay đổi đời sống kinh tế, xã hội; gây ảnh hưởng đến cuộc sống riêng của nhiều người, hơn bao giờ hết "ý chí" trở thành nguồn sức mạnh cần được khai thác, bồi đắp để giúp mỗi cá nhân giữ vững được sự lạc quan, thời gian biểu làm việc khoa học, luyện tập thể thao, ăn uống lành mạnh... để vượt qua được giai đoạn nhiều khó khăn, thử thách này.

Là kết quả nghiên cứu trong hàng chục năm trời của nhà tâm lý học xã hội Roy F. Baumeister, cuốn sách “Ý chí – Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người” thuyết phục độc giả bằng việc mô tả, đưa ra hàng chục thí nghiệm tiêu biểu về nguồn sức mạnh vô giá này của con người. Đây cũng chính là điều khác biệt của “Ý chí – Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người” với hàng loạt các cuốn sách self-help trên thị trường gồm “tràng giang, đại hải” những diễn giải sáo mòn về ý chí.

Ý chí- nguồn sức mạnh lớn nhất của con người


“Ý chí – Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người” gồm có một phần dẫn nhập, 10 chương sách và phần kết. Trong đó ở phần dẫn nhập và chương 1 của cuốn sách, Baumeister và đồng tác giả, nhà báo John Tierney mang đến cho độc giả khái niệm cũng như minh chứng tiêu biểu về sự tồn tại và sức mạnh của ý chí trong mỗi con người.

Kết quả của rất nhiều nghiên cứu cho thấy, hầu hết các vấn đề đang ảnh hưởng đến nhiều cá nhân trong xã hội hiện đại - kết quả học tập, làm việc kém; sức khỏe kém do lười tập thể dục, nghiện ngập, ăn quá nhiều; phạm tội; bạo lực gia đình; các bệnh lây truyền qua đường tình dục; nợ nần; mang thai ngoài ý muốn; định kiến… - đều liên quan đến sự thất bại trong kiểm soát bản thân. Các cá nhân gặp phải một hoặc nhiều vấn đề kể trên hầu hết đều không có đủ sức mạnh ý chí để kiểm soát sự tự chủ của bản thân, tránh xa các cám dỗ.

Trong khi xã hội hiện tại, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày càng tạo ra nhiều sự cám dỗ. Chỉ với một cú nhấp chuột hay một chiếc điện thoại, một người có thể trì hoãn bất cứ việc gì đơn giản bằng cách kiểm tra email, dạo quanh các trang thông tin, mạng xã hội, hay chơi trò chơi điện tử. Chỉ với 10 phút mua hàng trực tuyến, một người có thể tiêu hết số tiền tiết kiệm cho từ nay đến cuối năm của mình…

Y-chi-hanh-trinh-tai-kham-pha-suc-manh-lon-nhat-cua-con-nguoi

Bản tiếng Anh của cuốn sách  "Ý chí- Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người"

Tâm lý học đã xác định có hai yếu tố chính tạo ra một loạt lợi thế khác biệt cho mỗi con người đó là: trí thông minh và khả năng tự kiểm soát. Trong nhiều thập kỷ qua, mặc dù rất cố gắng, nhưng các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được nhiều cách thức hiệu quả giúp mỗi cá nhân có thể cải thiện trong lâu dài trí thông minh của mình.

Nhưng với hàng chục năm nghiên cứu, nhà tâm lý học xã hội Baumeister cho biết: ý chí - sự tự chủ - nguồn sức mạnh lớn nhất của con người, có thể tăng cường được. Nắm bắt được điều này chính là một lợi thế hiếm có, để mỗi cá nhân có thể tạo ra sự khác biệt và mang lại lợi ích cho cuộc sống của chính mình.

Trong chương 2, chương 3 tiếp theo của cuốn sách “Ý chí – Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người”, các tác giả cung cấp thông tin cho độc giả về nguồn năng lượng của não bộ/ ý chí là glucose, cùng những lời khuyên hữu ích và đơn giản để nâng cao năng lực hoạt động của não bộ, tăng cường sức mạnh của ý chí như: chọn thức ăn tiêu hóa chậm để vừa cung cấp đủ glucose cho não bộ vừa tốt cho sức khỏe; ngủ đủ - khi mệt mỏi hãy đi ngủ; khi ốm đừng bắt não bộ hoạt động, bởi glucose đang được ưu tiên cho hệ miễn dịch…

Ý chí – nguồn lực có hạn và có thể bị suy giảm


Trong chương 4 và chương 5 của cuốn sách, các tác giả đã đưa ra nhiều nghiên cứu chứng minh ý chí là nguồn lực có hạn và có thể bị suy giảm qua các hoạt động con người cần sử dụng đến nó. Theo đó mọi người thực hiện tương đối kém trong các bài kiểm tra về khả năng tự kiểm soát sau khi họ đã thực hiện một hành động tự kiểm soát dường như không liên quan trước đó.

Ví dụ, trong một nghiên cứu thực hiện với thực hiện với sinh viên, Baumeister chia họ làm 2 nhóm. Một nhóm được mời ăn bánh quy sô-cô-la mới nướng, nhóm còn lại nhai củ cải. Sau đó, ông đưa cho họ những bài toán hình không thể giải được. 

Trung bình, những sinh viên ăn bánh quy làm việc với các câu đố trong 20 phút. Còn những sinh viên nhai củ cải thì bỏ cuộc sau trung bình tám phút. Những nghiên cứu tương tự cũng cho thấy rằng: nếu con người tiêu tốn nhiều sức mạnh ý chí cho nhiệm vụ đầu tiên, thì họ sẽ còn ít sức mạnh ý chí hơn cho nhiệm vụ thứ hai, thứ ba… sau đó.

sach-y-chi-tac-gia-Roy-Baumeister

Tác giả Roy Baumeister

Cách tăng cường ý chí- nguồn sức mạnh lớn nhất của con người


Đây chính là phần nội dung đắt giá nhất trong cuốn sách “Ý chí – Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người”.

Thông qua rất nhiều nghiên cứu tác giả Baumeister đã chỉ ra rằng: ý chí giống như cơ bắp, nó trở nên mạnh mẽ hơn khi tập thể dục thường xuyên. Và bất cứ ai cũng có thể cải thiện khả năng tự kiểm soát của mình ngay cả khi họ đã trưởng thành. Đây cũng chính là nội dung 2 chương tiếp theo của cuốn sách, chương 6 và chương 7.

Các bài tập để tăng cường ý chí đã được kiếm chứng thông qua các thí nghiệm và được tác giả giới thiệu cho độc giả rất dễ thực hiện như: siết chặt tay nắm lò xo trong thời gian lâu nhất có thể, ngồi thẳng lưng trong khi học/ làm việc, làm việc bằng tay trái trong 12/24 tiếng (với người thuận tay phải)… Chìa khóa ở đây là tập trung vào việc thay đổi một hành vi theo thói quen nhất định, từ đó giúp cải thiện ý chí của mỗi người. Và đây cũng có thể là bài khởi động hiệu quả để đối mặt với một thử thách lớn hơn, như bỏ hút thuốc hay tuân thủ ngân sách tài chính.

Ngoài ra còn có rất nhiều chiến thuật giúp tăng cường ý chí khác như: tạo động lực, tạo cam kết trước, tạo ra các thói quen giúp kích hoạt các quá trình tinh thần tự động vốn không đòi hỏi nhiều năng lượng, tư duy dài hạn…

sach-y-chi-tac-gia-John-Tierney

Tác giả John Tierney

Sử dụng ý chí để thay đổi cuộc sống


Trong ba chương cuối cùng của cuốn sách, bộ đôi tác giả Roy Baumeister và John Tierney, giúp độc giả sử dụng ý chí để thay đổi cuộc sống của mình trong các việc như: đạt được các mục tiêu cao cả đã đề ra (như cách Stanley đã hoàn thành việc khám phá châu Phi qua hai chuyến thám hiểm đầy thách thức, hiểm nguy); từ bỏ các thói nghiện ngập; thực hiện chế độ ăn kiêng hoàn hảo; nuôi dạy con thành những đứa trẻ tự chủ mạnh mẽ… dù một vài tư tưởng, đề xuất của tác giả cũng vấp phải các ý kiến trái chiều.

Trên trang bán hàng lớn nhất thế giới Amazon, cuốn sách hiện đang đứng thứ 82 trong danh sách 100 cuốn sách bán chạy nhất về Hành vi nên có, và nằm trong Top 200 cuốn sách bán chạy nhất về Ý thức và Tư tưởng.

Cuốn sách cũng nhận được rất nhiều lời khen ngợi tích cực từ các tờ báo cũng như các chuyên gia, tác giả hàng đầu trên thế giới. Nhận xét về cuốn sách, Christopher Buckley, tác giả cuốn sách Thank You for Smoking viết:

"Đây là cẩm nang từ thiên đường dành cho những ai từng muốn giảm cân, ngừng hút thuốc, uống ít rượu hơn, làm việc hiệu quả hơn và thông minh hơn. Trên hết, “Ý chí – Hành trình tái khám phá sức mạnh lớn nhất của con người” là một cuốn sách giải trí sâu rộng, chứa đầy những câu chuyện hấp dẫn về sự phức tạp của bộ não có dây tiến hóa của chúng ta. Một tác phẩm rực rỡ, ở mọi cấp độ. "


Tác giả cuốn sách

Roy F. Bausmeiter nhận bằng Tiến sĩ từ Princeton vào năm 1978, và là người đứng đầu chương trình tâm lý xã hội tại Đại học Florida. Ông là một trong những nhà tâm lý học giỏi và có ảnh hưởng nhất thế giới. Ông đã viết hơn 450 ấn phẩm khoa học và luôn nằm trong số các nhà tâm lý học được trích dẫn thường xuyên nhất trên thế giới.

John Tierney viết chuyên mục khoa học "Phát hiện" cho New York Times. Tác phẩm của ông đã giành được giải thưởng của Hiệp hội vì sự tiến bộ của Khoa học Hoa Kỳ và Viện Vật lý Hoa Kỳ.

Việt Hà- Chuyên viên PR, Blogger điểm sách tận tụy
Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét