Học hỏi bí quyết kinh doanh từ những người thừa kế lừng danh của hai đế chế J.Marriot và Estee Lauder
“Bill Marriott- Những quyết định lịch sử làm nên đế chế khách sạn thành công nhất thế giới” và “Công ty tôi gìn giữ” là hai cuốn sách cung cấp cho độc giả rất nhiều thông tin hấp dẫn, ít biết về sự phát triển của hai tập đoàn J. Marriott và Estée Lauder. Tuy nhiên, trong bài review này tôi sẽ tập trung vào khía cạnh các kiến thức, bí quyết, kinh nghiệm kinh doanh được những người thừa kế lừng danh của hai đế chế chia sẻ cho các độc giả. Đây là những tri thức vô cùng quý giá đối với bất cứ chủ công ty/ doanh nghiệp cũng như người làm kinh doanh nói chung nào.
Bill Marriott- Những quyết định lịch sử làm nên đế chế khách sạn thành công nhất thế giới
Thông qua hơn 100 tiếng phỏng vấn Bill Marriott, cũng như tìm hiểu từ những người thân của nhà tỷ phú và các tư liệu về đế chế Marriott, nhà báo kiêm nhà văn ăn khách của Tờ New York Times Dale Van Atta viết nên cuốn tiểu sử “Bill Marriott- Những quyết định lịch sử làm nên đế chế khách sạn thành công nhất thế giới”.
Bên cạnh những câu chuyện hấp dẫn về cuộc đời, sự nghiệp, cuộc sống cá nhân của vị tỷ phú sở hữu hơn 7.000 khách sạn - được mệnh danh là “hoàng đế khách sạn” trên thế giới này, cuốn tiểu sử còn tiết lộ rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm, bí quyết lãnh đạo, kinh doanh đắt giá của Bill Marriot.
Khởi đầu bằng việc kinh doanh trong ngành thực phẩm, năm 1957, công ty Marriott mở thêm hướng kinh doanh mới bằng việc ra mắt khách sạn Marriott đầu tiên. Đây cũng là thời điểm Bill Marriott- người thừa kế của đế chế này - vừa hoàn tất việc học hành và bắt đầu tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình.
Nhìn thấy tiềm năng trong ngành kinh doanh khách sạn, ông đã đề xuất gia đình đầu tư vốn liếng để mở rộng nhanh hướng kinh doanh này. Suy nghĩ của ông là “ngày nào đó, chúng tôi có thể thành công ngang với chuỗi khách sạn Howard Johnson, đối thủ đang xuất hiện khắp nơi trên nước Mỹ”.
Kết quả là cứ hai tuần sẽ có một khách sạn mang thương hiệu Marriott được mở ra ở những vị trí gần Howard Johnson. Marriott đã trở thành một “cơn ác mộng tồi tệ nhất” đối với Howard Johnson. Tuy nhiên, vũ khí sắc bén khiến Marriott có thể hạ gục đối thủ đó chính là chính sách đối xử với nhân viên vô cùng có tình của họ.
Tỷ phú Bill Marriott bắt tay từng nhân viên trong mỗi lần thăm khách sạn của mình. Ảnh: Int
Không chỉ là một tuyên bố để đánh bóng tên tuổi, Marriott đã thực sự theo đuổi tầm nhìn này khi thực hiện việc chia sẻ lợi nhuận cho nhân viên từ đầu những năm 1960. Thậm chí, công ty còn bỏ tiền thuê chuyên gia tư vấn để giải đáp những vấn đề của nhân viên bên ngoài công việc. Các chính sách này cùng với văn hóa “lắng nghe” nhân viên ở mọi cấp đã đưa Marriott trở thành một trong 50 nơi làm việc tốt nhất do tạp chí Fortune bình chọn.
Bản thân Bill Marriott mỗi năm sẽ bay trung bình 240.000 km để thăm hơn 100 khách sạn của mình, các điểm cung cấp thực phẩm của tập đoàn, gặp các quản lý và nhân viên làm việc tại đó; đồng thời “kiểm tra” dịch vụ của đối thủ…
Năm 1980, Bill Marriott đã tạo ra bước ngoặt thứ hai cho Tập đoàn khi quyết định cung cấp thêm dịch vụ cho thuê phòng nhiều mức giá, từ trung bình đến giá rẻ và dịch vụ lưu trú dài hạn cho các tầng lớp xã hội khác nhau, bên cạnh dịch vụ cao cấp đã có.
Ý tưởng này của ông ban đầu vấp phải sự phản đối gay gắt trong nội bộ do quan ngại ảnh hưởng đến giá trị thương hiệu. Tuy nhiên khi các khách sạn “sân nhỏ bên cạnh Marriott” đi vào hoạt động và mang lại nguồn lợi lớn cho công ty, Marriott đã được chắp thêm cánh để bước vào thời kỳ thịnh vượng.
Chìa khóa thành công của Marriott là áp dụng các quy trình quản lý chất lượng chặt chẽ của chuỗi khách sạn hạng sang vào các mô hình còn lại; đồng thời không ngừng cải tiến dịch vụ để giữ vững giá trị của thương hiệu…
Đó là một phần kinh nghiệm lãnh đạo, phát triển kinh doanh quý giá được Bill Marriott chia sẻ trong cuốn sách “Bill Marriott - Những quyết định lịch sử làm nên đế chế khách sạn thành công nhất thế giới”, mà bất cứ ai muốn học hỏi từ ông đều không nên bỏ qua cuốn sách này.
Công ty tôi gìn giữ
Cũng được thừa kế công ty từ cha mẹ, trong gần 60 năm lãnh đạo và dẫn dắt Estée Lauder, Leonard A. Lauder đã đưa công ty từ một thương hiệu nhỏ chỉ có 8 sản phẩm hoạt động tại Mỹ, trở thành một tập đoàn đa thương hiệu, chuyên cung cấp các dòng sản phẩm dưỡng da, chăm sóc tóc, nước hoa và mỹ phẩm trang điểm cao cấp được ưa chuộng trên toàn thế giới.
Hiện nay Estée Lauder trị giá khoảng 89 tỷ đô la Mỹ với hơn 25 thương hiệu, khoảng 1600 cửa hàng bán lẻ hiện diện ở 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh thu năm 2020 của Tập đoàn vào khoảng 14,3 tỷ đô la Mỹ. Bản thân Leonard Lauder cũng đứng trong hàng ngũ những người giàu nhất thế giới từ rất nhiều năm nay với giá trị tài sản ròng ước tính là 24,6 tỷ USD.
“Công ty tôi gìn giữ” là cuốn tự truyện hấp dẫn của Leonard Lauder, mang đến cho độc giả câu chuyện lôi cuốn về quá trình hình thành, phát triển, những đóng góp hào sảng cho xã hội của tập đoàn cũng như cá nhân tỷ phú Leonard Lauder. Bên cạnh đó, cuốn tự truyện cũng cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức, kinh nghiệm kinh doanh vô giá từ Leonard Lauder cũng như mẹ của ông trong quá trình phát triển đế chế mỹ phẩm này.
Đầu tiên phải nhắc đến kinh nghiệm lãnh đạo, dùng người của Leonard Lauder. Ngay từ khi còn học đại học và phục vụ trong quân đội, Leonard đã nhận ra ở các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống luôn có những người giỏi hơn mình, và muốn phát triển công ty một cách tốt nhất, ông phải thuê và lãnh đạo được những người giỏi nhất.
Khi nắm quyền lãnh đạo công ty, Leonard đã thực hiện đúng việc này, đồng thời luôn thể hiện sự trân trọng đối với nhân viên của mình. Và Leonard đã thành công khi xây dựng được một đội ngũ quản lý đa dạng, xuất sắc, có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Estée Lauder trong gần 60 năm qua. Đây cũng là kinh nghiệm giúp ông có thể dẫn dắt các thế hệ trong gia đình cùng làm việc, góp sức cho sự phát triển bền vững của tập đoàn.
Tỷ phú Leonard Lauder. Ảnh: Int
Thu thập hiểu biết và trải nghiệm từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực Leonard Lauder đã đưa ra những đường hướng phát triển mới cho công việc kinh doanh của Tập đoàn. Kinh nghiệm có được từ thời gian phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ kết hợp với quan sát từ General Motors đã khiến Leonard Lauder quyết định phát triển các thương hiệu đa dạng, cạnh tranh với chính mình để có thể chiếm lĩnh các phân khúc thị trường đa dạng và quan trọng, đánh bại các đối thủ. Ông cũng có tư tưởng cởi mở, tôn trọng các công ty mà tập đoàn mua lại và cho phép họ tiếp tục phát triển sản phẩm và tiếp thị cho đối tượng mục tiêu mà ông biết rằng họ hiểu rõ hơn ông.
Bước đi lớn nhất của Leonard trong quá trình phát triển Estee Lauder là mở rộng sang châu Âu dù vấp phải sự ngăn cản của cộng sự. Và thực tế đã chứng minh đó là một quyết định vô cùng đúng đắn, sáng suốt của ông. Giống như Bill Marriott, Leonard Lauder thường tự mình đến thăm các cửa hàng trong mỗi quốc gia trên thế giới, làm việc với các lãnh đạo và nhân viên tại đó để nắm bắt cũng như điều chỉnh việc kinh doanh một cách hiệu quả nhất…
“Công ty tôi gìn giữ” cung cấp cho độc giả hầu hết các kiến thức quan trọng trong kinh doanh như: xây dựng đội ngũ, chiến lược cạnh tranh, thương hiệu, quan hệ đối tác nhà cung cấp và bán lẻ; lựa chọn thị trường toàn cầu, thời điểm gia nhập thị trường, phương tiện truyền thông; quản lý danh mục đầu tư; phát triển sản phẩm, định giá, quảng cáo và khuyến mãi, phân phối…
“Bill Marriott- Những quyết định lịch sử làm nên đế chế khách sạn thành công nhất thế giới” và “Công ty tôi gìn giữ” chắc chắn là hai cuốn sách không thể thiếu trên giá sách của bất cứ ai quan tâm đến kinh doanh, đặc biệt là các chủ doanh nghiệp luôn mong muốn phát triển và mở rộng công việc kinh doanh một cách bền vững.
Đọc thêm:
Việt Hà - Chuyên viên truyền thông & Blogger điểm sách
Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!
Hãy like
Blog Sở thích
nếu bạn yêu thích
Labels:
ky nang song
-
quản trị kinh doanh
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét