Cha mẹ giỏi giúp con tự giải quyết rắc rối

Đây là phần 2 của bài viết Cha mẹ giỏi con thông minh (Thinking Parent, Thinking Child)giới thiệu những kinh nghiệm các bậc cha mẹ giỏi, biết cách suy nghĩ giúp con giải quyết các những rắc rối đầy thách thức từ khi còn nhỏ cho đến tuổi vị thành niên, mà đứa trẻ nào cũng phải đối mặt.

Bản chất của một người làm cha mẹ giỏi, biết cách suy nghĩ là chủ động, chứ không phải thụ động. Dù con bạn có vướng phải rắc rối với anh chị em, bạn học, bạn bè hay với chính bạn, một phụ huynh giỏi phải cân nhắc các trường hợp, quyết định xem nên phản ứng thế nào, và giúp lũ trẻ xác định được chúng cần phải nghĩ thế nào (chứ không phải là nghĩ cái gì) để từ đó các em có thể tự mình giải quyết vấn đề.

Con trẻ thông minh tự giải quyết được các rắc rối

Bây giờ, hãy xét trường hợp ba đứa trẻ năm tuổi đều muốn sử dụng một món đồ chơi rất hấp dẫn.

Lenny nói với em trai: “Đưa cho anh cái tàu hoả! Nó là của anh và giờ đến lượt anh chơi”. Khi cậu em từ chối, Lenny giật lấy món đồ chơi và rời phòng.

Sonja hỏi xin chị gái để được chơi búp bê một lúc. Khi bị chị từ chối, Sonja giận dỗi bỏ đi.

Anthony xin em trai cho chơi với chiếc xe tải một lúc. Khi em từ chối, Anthony hỏi: “Tại sao lại không được?”.Cậu em trả lời: “Em cần nó, em đang dập một đám cháy”. Anthony đáp lại: “Anh có thể giúp em một tay. Để anh đi kiếm cái vòi và chúng ta sẽ cùng nhau dập lửa”.

Vậy Athony khác với Lenny và Sonja ở điểm nào? Lenny phản ứng với thất vọng bằng cách hành động, trong trường hợp này là cướp lấy đồ chơi. Sonja mạo muội đưa ra đề nghị − được chơi với con búp bê một lúc – khi bị từ chối, cô bé đã rút lui trong giận dữ và tức tối. Anthony không làm vậy. Khi nhận ra rằng giải pháp thứ nhất của mình không phát huy hiệu quả, cậu vận dụng tiếp giải pháp thứ hai. Trong khi Anthony có thể nghĩ đến việc đánh cậu em và cướp lấy món đồ chơi thì cậu bé đã không làm thế. Ý thức thông cảm của cậu bé đã không cho phép cậu làm như vậy. Thay vào đó, cậu tìm nhiều cách thương lượng để đạt được điều mình muốn mà không làm tổn thương cả mình lẫn em trai. Cậu bé có khả năng cân nhắc đến mong muốn của cả hai. Athony là một đứa trẻ biết suy nghĩ.

Tất cả mọi trẻ em đều có thể học suy nghĩ theo cách của Anthony. Khả năng giải quyết rắc rối không chỉ tác động lâu dài đến hành động hiện tại của trẻ em, mà như kết quả nghiên cứu của tác giả cuốn sách Cha mẹ giỏi con thông minh Myrna B. Shure, nó còn ảnh hưởng sâu sắc đến những hành động trong tương lai của các em, chẳng hạn như chống lại áp lực đồng đẳng để không tham gia vào những hành vi có hại như thử ma tuý, rượu, tình dục không an toàn và bạo lực... Và đi xa hơn nữa, đứa trẻ biết suy nghĩ sẽ có nhiều khả năng trở thành phụ huynh biết suy nghĩ.

Cha mẹ giỏi, con thông minh


Khi viết cuốn Cha mẹ giỏi, con thông minh mục đích của tác giả là giới thiệu tóm lược những rắc rối thường ngày đầy thách thức mà các bậc cha mẹ và con cái – từ lúc chuẩn bị đi học cho đến tuổi vị thành niên – phải đối mặt, cũng như những công cụ thực hành để biến các rắc rối đó thành giải pháp.

Cuốn sách được sắp xếp theo chủ đề. Mỗi chương tập trung vào một vấn đề riêng – như giận dữ, xâm phạm hoặc thông cảm – với những ví dụ minh họa cho từng vấn đề. Cách tổ chức này cho phép bạn xem xét từng đề tài theo nhiều khía cạnh khác nhau.

Trong cuốn sách này, bạn sẽ học được cách dạy con mình kỹ năng đưa ra quyết định đúng đắn, đồng thời tự do sử dụng các kỹ năng đó. Bạn sẽ học được cách hướng dẫn con thay đổi hành vi để trở nên bớt dữ dằn, rụt rè hơn hoặc bớt sợ hãi hơn; biết hợp tác và thông cảm hơn; có khả năng thích nghi cũng như đối mặt với những chán nản, thất vọng trong cuộc sống. Bạn cũng sẽ thấy các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn hỗ trợ con bạn trong việc học hành như thế nào. Và, bạn sẽ thấy con mình ngày càng biết cảm thông thật sự. Nhờ phương pháp giải quyết vấn đề, trẻ em sẽ bắt đầu hiểu rằng cha mẹ chúng cũng nhạy cảm.

Một số chương sẽ khuyến khích bạn dùng chính hành vi của mình làm gương cho con cái. Chúng sẽ đặt ra cho bạn những câu hỏi mang tính gợi ý: Phạt cách ly thật sự có lợi như thế nào? Đánh đòn là giúp đỡ con hay làm đau con? Chúng ta sẽ làm gì khi tôi nghĩ một đằng về vấn đề nào đó còn vợ/chồng tôi lại nghĩ một nẻo? Tôi có cần phải học cách lắng nghe không? Tôi làm chuyện này thế nào? Tôi phải nói gì với con tôi khi tôi không giữ lời hứa?

Khi sử dụng cuốn sách này, bạn không chỉ có đủ tự tin để xử lý những rắc rối thường ngày mà còn học được cách làm thế nào để hàng ngày cho con cái tiếp xúc với kỹ thuật trò chuyện giải quyết vấn đề. Và bạn cũng được đảm bảo rằng, con bạn sẽ có những công cụ cần thiết để đối diện với cuộc đời, không chỉ trong hôm nay mà còn trong năm tới, mười năm tới và đến tận lúc trưởng thành. Bạn cũng sẽ thấy rằng Cha mẹ giỏi, con thông minh là một nguồn tham khảo vô giá mà dễ sử dụng khi rắc rối xảy ra và chắc chắn chúng sẽ xảy ra.

Tác giả cuốn sách, Tiến sĩ Myrna B. Shure viết: “Mặc dù tôi hoàn toàn tin tưởng rằng phương pháp của mình hữu ích và hiệu quả, nhưng tôi không bao giờ phủ nhận hoàn toàn một kỹ thuật nuôi dạy con cái nào. Chẳng hạn, tôi sẽ không bao giờ khuyên bạn đừng quát mắng con cái, hay đừng thể hiện mình giận dữ. Làm vậy sẽ chẳng tự nhiên chút nào.

Con trẻ thông minh, tự lập sẽ thành công và hạnh phúc

Tất cả chúng ta đều phải bộc lộ cảm xúc của mình, và lũ trẻ phải học cách đối mặt với thực tế đó. Tuy nhiên, nếu như bạn luôn luôn hoặc gần như lúc nào cũng phản ứng bằng cách nổi giận và trừng phạt con bạn mỗi khi chúng làm điều gì đó trái ý, các em sẽ rất khó mà trở nên tự lập, biết suy nghĩ. Trong khi không hề bảo các bạn cần phải làm gì, tôi mang đến cho bạn những cách nhìn mới về vấn đề để giúp bạn quyết định xem điều gì là tốt nhất cho bản thân và gia đình.

Tháng 11 năm 2000, nhà nghiên cứu Irving Sigel thuộc Đại học Princeton đã nói với tôi: “Mỗi khi người ta dạy trẻ em điều đã khám phá, đứa trẻ sẽ không còn phát minh ra điều đó được nữa, và do vậy nó cũng hoàn toàn chẳng hiểu gì về điều đó cả”. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp bạn tạo cơ hội cho con khám phá được cách tìm tòi và hiểu rõ về thế giới của chính bản thân mình".

Và liệu một đứa trẻ còn có thể học cách nghĩ này ở đâu tốt hơn ở nhà? Theo Bonnie Aberson, nhà tâm thần học và tâm lý trường học đã thực hiện chương trình ICPS (dạy trẻ các kỹ năng tư duy quan trọng) hơn 15 năm, “Trẻ em nên biết những tình huống khó khăn trong các môi trường khác, dù phức tạp đến mức nào, vẫn có thể giải quyết được trong gia đình tổ ấm, nơi mọi người được lắng nghe, chấp nhận. Chính mối giao tiếp cởi mở mang tính chấp thuận, mà ICPS củng cố, sẽ giúp tăng cường mối quan hệ và cảm giác được trao quyền sẽ góp phần giải quyết mọi vấn đề.

Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu, nhưng cũng không bao giờ là quá sớm cả.

Điều chúng ta cần nói với con em chúng ta là: “Bố mẹ quan tâm đến cảm giác của con, suy nghĩ của con, và bố mẹ muốn con cũng quan tâm nữa”. Chúng ta cũng sẽ khẳng định: “Bố mẹ tin con sẽ quyết định đúng”. Sau khi thử phương pháp giải quyết vấn đề mô tả trong cuốn Cha mẹ giỏi, con thông minh, tôi tin rằng bạn sẽ cảm thấy an toàn khi đặt niềm tin đó”.

Và như thành ngữ Trung Hoa tôi đã trích dẫn trong phần 1 của bài viết, bạn đừng quên cùng con thực hành hàng ngày kỹ năng suy nghĩ và giải quyết vấn đề này. Bởi không thể có con đường nếu như không có người đi lại thường xuyên, cũng như không thể có thói quen tốt nếu bạn không rèn luyện việc đó hàng ngày.

Đọc thêm:
7 loại hình thông minh sợ gì IQ thấp
Trẻ cũng cần rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn
Bộ sách Những chuyến phiêu lưu nhất quả đất giúp tâm hồn trẻ thêm tươi mới và sâu sắc


Blog Sothich.net - Việt Hà
Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét