Những đứa trẻ thèm bơi (Tản mạn của Việt Hà)

Đây là một bài tản mạn của tôi đăng trên báo Tuổi trẻ chủ nhật tháng 9/ 2011
---

Làng đã lên phường từ nhiều năm nay, nhưng người sống trong phường cơ bản vẫn là người làng nên chuyện lớn xảy ra chỉ mươi phút sau cả phường đã tường tận. Chuyện bé gái 11 tuổi ngạt nước ở ao đình, vừa được vớt lên và đang hô hấp nhân tạo ở sân chùa ngay cạnh đó chỉ năm phút sau đã xôn xao ở cả chợ Cầu Ải, cách chùa chừng 500m.

Minh họa: Vũ Đình Giang
Khi tôi chạy đến sân chùa, dòng người, dòng xe đã vòng trong vòng ngoài quây quanh đứa trẻ xấu số. Người phụ nữ đứng cạnh tôi nói chuyện với người hàng xóm vừa mới đến: “Nó là cháu gái ông Viên, từ đầu hè chiều nào nó chẳng ra đây tập bơi. Bố mẹ nó mua cho áo phao đàng hoàng đó. Chiều nay nó cũng mặc áo phao để tập bơi, nhưng đến cuối giờ chiều không hiểu sao nó lại cởi áo phao ra, rồi bị ngạt nước và chìm xuống. Không biết bao lâu sau có thằng bé đạp phải nó, sợ quá hét ầm ĩ, người ta mới biết mà lôi nó lên. Không biết hô hấp nhân tạo có còn cứu được nó nữa không?”.

Và như mọi người từng lo sợ, mười phút sau người ta đành bất lực thừa nhận đứa trẻ chết đuối thật rồi...

Bóng tối ập xuống, tang lễ của đứa trẻ được tổ chức rất nhanh để chôn cất ngay trong đêm vì người làng có tục lệ chôn cất trẻ nhỏ trong ngày. Tôi thương đứa nhỏ thèm nước, thèm bơi và thương cả người làng đến bây giờ vẫn còn mơ hồ về chuyện chết ngạt nước, vẫn còn cả tin một đứa trẻ đã uống no bụng nước và chìm xuống đáy ao không biết tự bao giờ có thể sống lại sau vài hơi hô hấp nhân tạo. Hồi mới đầu mùa hè, thấy cả làng sục sôi mua áo phao cho con em tập bơi trong cái ao duy nhất còn sót lại trước đình, cứ ngỡ người dân ở đây chắc cũng rành chuyện bơi và sơ cứu người ngạt nước lắm nên mới hào hứng cho con em tập bơi như vậy.

Cũng không biết trách ai vì Hà Nội bây giờ so với Hà Nội ngày xưa đã thay đổi nhiều lắm rồi. Không chỉ trên sách báo mà rất nhiều người bạn tôi sinh vào những năm 1970 tại Hà Nội đều kể rằng Hà Nội những năm 1970-1980, thậm chí đến cuối những năm 1980, vẫn còn ao hồ chằng chịt. Cuối tuần và nhất là vào dịp hè, trẻ con, người lớn nô nức rủ nhau chặt cây chuối hoặc khá hơn thì kiếm những săm xe cũ để tập bơi nên rất nhiều người biết bơi, thậm chí bơi giỏi. 

Nhẩm tính hồi xưa đó cách hồi nay mới chừng hai chục năm, một gia đình mới có thêm một thế hệ, mà ao hồ Hà Nội đã chẳng còn thấy đâu, chỉ còn toàn công trình lớn nhỏ, chen chúc san sát nhau trên từng thửa đất. Nhìn toàn cảnh thành phố qua Google Map, ngoài hồ Tây, hồ Yên Sở, Linh Đàm, Hà Nội bây giờ chỉ còn lác đác vài hồ nhỏ. Tìm bể bơi còn thấy cám cảnh hơn. Phần lớn trong số đó đều là bể bơi của các khách sạn lớn, người có tiền mới dám bén mảng đến. Tiếp cận với ao hồ khó khăn như vậy nên có thể hiểu vì sao nhiều người Hà Nội trưởng thành bây giờ lại xa lạ với những gì liên quan đến bơi lội; riêng lũ trẻ con càng háo hức với ao hồ, bơi lội, bất chấp nguy hiểm như vậy.

Chẳng biết đến bao giờ người ta mới không còn phải chứng kiến cái chết ngạt nước thương tâm của những đứa trẻ thèm nước, thèm bơi ở Hà Nội nữa.

Việt Hà -

LTS: Năm 1998, khi đang học đại học năm thứ nhất, tôi bắt đầu viết truyện ngắn với bút danh Tiểu Nhiên. Tờ báo đầu tiên đăng truyện ngắn của tôi là tờ Hoa học trò, sau đó đến báo Sinh viên. Sau đó hơn năm, tôi gửi truyện ngắn cho báo Tiền Phong chủ nhật, chú Hoàng Sơn -Thư ký tòa soạn của tờ báo khi ấy - góp ý với tôi là bút danh của tôi có vẻ... trẻ con quá. Vì vậy tôi quyết định dùng tên thật của mình là Nguyễn Thị Việt Hà.

Với việc viết lách, tôi là người lười biếng, lâu lâu tự mình thấy thúc ép lắm mới ngồi vào bàn phím gõ gõ vài trang. Cái tên/ bút danh của tôi vô tình lại trùng với nhiều người. Vì vậy, tôi lại băn khoăn đổi bút danh lần nữa. Và lần này tôi chọn bút danh là Việt Hà.

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét