Nuôi dạy con theo kiểu Nhật để hạnh phúc hơn!

Cậu con trai lớn của tôi tính tình khá lơ đãng, thường quên làm bài tập hay đồ dùng học tập. Học cấp 1 còn đỡ, lên cấp hai môn học nhiều hơn, lại phân chia theo tiết, một tuần mỗi môn chỉ học vài tiết, cậu càng quên nhiều hơn. Chưa kể tính cậu chàng còn đủng đỉnh, thi thoảng còn đi học muộn, quên khăn đỏ... Khiến tuần nào tôi cũng nhận được tin nhắn của cô giáo báo con mắc lỗi nọ, lỗi kia, xếp loại khá và làm ảnh hưởng cả tình hình thi đua chung của lớp. Tôi muốn con tập trung học tiếng Anh cậu chàng cũng chểnh mảng, dù được đánh giá là khá thông minh. Là một người khá nóng tính, tôi thường xuyên la mắng, có khi còn dùng roi phạt con, dù mỗi lần phạt con xong, tôi thấy thương con và hối hận vô cùng. Không khí gia đình cũng căng thẳng, khó chịu.

Tôi đã mua và đọc khá nhiều sách về nuôi dạy con, trong đó có nhiều cuốn tôi thấy tâm đắc như cuốn Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương hay cuốn Nuôi dạy con kiểu Nhật Bản. Có điều, rất dễ để nhận ra những kiến thức, kinh nghiệm được các tác giả truyền tải rất hay và hữu ích, nhưng để áp dụng được vào cuộc sống thì còn là một quá trình dài. Bởi ngay như tôi, lúc đối diện với lỗi sai của con, tôi thấy mình cũng không kìm nén được tức giận mà lại la mắng, phạt roi cháu.

Thời gian này, Alpha Books ra một loạt sách mới về nuôi dạy con của người Nhật. Với trách nhiệm phải truyền thông cho bộ sách, tôi đã đọc lần lượt từng cuốn, và tôi thực sự thấy cảm ơn công việc này, đã giúp tôi thêm một lần nữa nhận thức về việc nuôi con phải kiên nhẫn và kiềm chế cũng như cố gắng như thế nào.

Cha mẹ nên dạy gì cho con cái, Mẹ cáu giận, con hư hỏng, Kỷ luật không nước mắt, Mẹo nhỏ giúp trẻ yêu thích và tự giác học là bốn cuốn sách đã giúp ích nhiều cho tôi trong việc nhận thức lại mình phải thay đổi trong cách nuôi dạy con. Bởi đúng thật trẻ nhỏ không phải là bản sao thu nhỏ của người lớn. Rất nhiều việc người lớn chúng ta cảm thấy đơn giản vô cùng, nhưng trẻ nhỏ vẫn hay quên và thường xuyên không thực hiện được. Là những người làm cha mẹ, các bậc phụ huynh phải cực kỳ kiềm chế sự nóng nảy, bực bội, thay vào đó là kiên nhẫn, nhẹ hàng uốn nắn cho con.




Không ít bậc cha mẹ muốn ép trẻ vào khuôn khổ bằng cách la mắng, vì tin rằng cách này thực sự hiệu quả. Song thực tế lại hoàn toàn trái ngược. Những lời trách mắng chỉ khiến trẻ cảm thấy chán ghét và mất dần niềm tin vào cha mẹ. Thậm chí trẻ còn có thể cho rằng cha mẹ không yêu thương mình, dần dần sẽ gây ra tổn thương nghiêm trọng trong tâm hồn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ sau này. Sự cáu giận của người lớn chỉ làm trẻ xa cách và trở nên hư hỏng hơn.

Vì vậy, thay vì la mắng, phạt đòn, các bậc cha mẹ hãy phân tích cho trẻ hiểu được những điều đúng đắn, nhìn vào ưu điểm của trẻ khen ngợi và khuyến khích những gì trẻ đã thực hiện được dù nhỏ, giúp phát huy thế mạnh vốn có của chúng, và khuyết điểm dần sẽ được cải thiện. Hơn thế nữa, các tác giả còn có những hướng dẫn rất cụ thể giúp các bậc phụ huynh dần dần từng bước thay đổi, kiềm chế được sự cáu giận, tính khí của chính mình, từ đó sẽ dần thay đổi được cách nuôi dạy con cái, khiến trẻ phát triển được tốt hơn, đồng thời cũng cải thiện mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giúp gia đình vui vẻ và hạnh phúc hơn.

Từ vài tuần nay, tôi đã cố gắng áp dụng cách nuôi dạy con này của người Nhật, và thực sự tôi thấy con trai tôi đã có những chuyển biến tích cực: cậu ít quên bài tập, đồ dùng học tập, ít đi muộn hơn và hứng thú với việc học tiếng Anh hơn vì có mẹ thực hành cùng. Không khí gia đình cũng dễ chịu hơn lúc trước vì tôi... ít nổi cáu hơn.





Tôi thấy tâm đắc với ý kiến của các tác giả trong bộ sách: Hãy nhìn vào điểm mạnh của con và giúp con phát triển thế mạnh đó. Dũng cảm bỏ qua một số việc, bởi ngay cả với người lớn, chẳng phải việc thay đổi bản thân luôn là điều khó khăn hay sao.

Thực tế, không phải đến bộ sách này, tôi mới được tiếp cận khái niệm: kỷ luật không nước mắt, dạy con bằng tình yêu và sự động viên, khuyến khích... Nhưng phải đến khi nhu cầu muốn thay đổi trong cách dạy con trở nên bức thiết, lại được củng cố thêm niềm tin từ bộ sách, tôi mới quyết tâm/ cố gắng để thực hiện phương pháp này. Và tôi cho rằng bộ sách này vì thế cũng cần thiết cho những ai muốn tìm hiểu và cần thêm động lực để thực hiện phương pháp nuôi dạy con không dùng đến sự quát mắng, và trừng phạt bằng roi vọt, vì mối quan hệ yêu thương giữa cha mẹ và con cái, vì không khí gia đình luôn vui vẻ hạnh phúc.

- Việt Hà - 
Đọc thêm:
Cha mẹ nên dạy gì cho con cái
Nuôi con khỏe mạnh như người Nhật Bản
Kỹ năng sống cần thiết cho mọi người

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét