4 cuốn sách giúp bạn đánh bại mọi mưu hèn kế bẩn nơi công sở

Dù bạn thích hay không, thì những chiêu trò hạ đẳng vẫn diễn ra ở rất nhiều nơi làm việc trên khắp hành tinh này. Vì vậy nhận ra và biết cách hóa giải những chiêu trò này, để bạn có thể yên tâm làm việc, hoặc đưa ra các quyết định sáng suốt cho sự nghiệp là điều mà bất cứ ai cũng nên nằm lòng. 4 cuốn sách dưới đây sẽ là trợ thủ đắc lực cho bạn trong hành trình cam go đó. 

Thực tế, mặc dù là một vấn nạn khá dai dẳng và nhức nhối, nhưng tại Việt Nam có khá ít các đầu sách đề cập đến việc chèn ép, bắt nạt, chơi bẩn tại chốn văn phòng (mà tôi đồ rằng điều này là do văn hóa “dĩ hòa vi quý” hay né tránh những chuyện tế nhị của người Việt tạo ra). May thay những cuốn sách về chủ đề này được dịch và xuất bản tại Việt Nam - trong đó tiêu biểu là 4 cuốn sách tôi sẽ giới thiệu với bạn dưới đây- là những cuốn sách có nội dung khá hấp dẫn, có thể giúp ích được rất nhiều cho bạn. 

4 cuốn sách đều được chấp bút bởi các tác giả đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về đề tài chơi bẩn chốn văn phòng trong một nền văn hóa dân chủ, cởi mở - nơi mà người dân có thể dễ dàng đọc được thông tin về các vụ kiện liên quan nạn quấy rối, chèn ép, bắt nạt, chơi xấu nơi công sở trên những kênh truyền thông lớn nhất như Journal, Wall Street Journal, New York Times, Havard Business Review, Đài tiếng nói, Đài truyền hình quốc gia Hoa Kỳ… 

Đối phó với những tên khốn tài ba (The no asshole rule)

doi-pho-voi-nhung-ten-khon-tai-ba-the-no-asshole-rule

Tôi đã có bài review khá sâu về cuốn sách, và nếu muốn tìm hiểu bạn có thể đọc tại LINK NÀY. Còn dưới đây là nội dung giới thiệu tóm tắt về cuốn sách.

Tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi biết tác giả cuốn sách là Giáo sư của Đại học Stanford Hoa Kỳ, bởi vì cuốn sách có tên gốc vô cùng “trần tục”: The no asshole rule. Thực tế, trong lời tự bạch, tác giả cuốn sách cũng bày tỏ mới đầu ông không định viết cuốn sách này. Tuy nhiên ông đã bị thuyết phục phải viết cuốn sách sau khi nhận được rất nhiều chia sẻ của các cá nhân từ khắp mọi nơi về chủ đề này. Đồng thời ông cũng có trong tay rất nhiều bằng chứng cho thấy môi trường làm việc văn minh, hiệu quả không phải là một giấc mộng nếu tổ chức, đội nhóm được quản lý theo phương pháp đúng đắn: không dung túng cho những tên khốn kiếp- no asshole rule. 

Đối phó với những tên khốn tài ba vì thế sẽ giúp cho độc giả nhận biết được đâu là những tên khốn chính hiệu tại các tổ chức/ doanh nghiệp với những lối hành xử đặc trưng của chúng; những bất lợi mà chúng mang lại cho đồng nghiệp, nhân viên và toàn bộ tổ chức. 

Tiếp đó tác giả cũng bày cho mỗi cá nhân những mưu mẹo để có thể sống sót giữa lũ người và môi trường làm việc ti tiện. Tuy nhiên trọng tâm của cuốn sách là những hiến kế của tác giả giúp xây dựng một môi trường làm việc, một nền văn hóa tử tế cho các tổ chức/ doanh nghiệp. 

Thực tế, đây cũng chính là lý do ra đời của cuốn sách thứ hai về chủ đề này của ông, cũng là cuốn sách thứ hai tôi muốn giới thiệu với các bạn. 

Cuộc chiến công sở (The asshole survival guide)

cuoc-chien-cong-so-The-asshole-survival-guide

Giáo sư Robert Sutton đã dành hầu như toàn bộ dung lượng của cuốn sách để hướng dẫn độc giả những bí quyết đối phó với những trò bẩn nơi công sở. Những kinh nghiệm này của ông được viết ra dựa trên nghiên cứu về những người có hành vi nhục mạ, thiếu tôn trọng với những người khác kết hợp với những câu chuyện, giải pháp mà tác giả có được trong quá trình làm việc, phỏng vấn trao đổi với hàng nghìn người hoạt động trong hàng trăm lĩnh vực khác nhau với vai trò khác nhau. 

Vì vậy, những bài học trong cuốn sách Cuộc chiến công sở có thể áp dụng cho mọi vấn đề liên quan đến những kẻ đáng ghét làm việc trong mọi lĩnh vực, từ trường học, cơ quan công quyền, đến các doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, tổ chức tôn giáo… 

Ở hai chương đầu của cuốn sách, tác giả sẽ giúp độc giả đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng bị chèn ép, bắt nạt mà họ đang vướng phải. Tiếp đó ông đưa ra hướng dẫn “rút êm” với những người đã nhận rõ sự bất lợi khó có thể khắc phục tại nơi mình đang làm việc. 

Trong những chương tiếp theo của cuốn sách, Robert Sutton đưa ra hướng dẫn chi tiết, khôn ngoan với những người muốn “chống trả” những tên khốn kiếp đang chèn ép mình. Đặc biệt với những người bị mắc kẹt tại nơi làm việc vì nhiều lý do, ông đưa ra cho họ các phương pháp giúp giảm thiểu tác động tiêu cực, để họ có thể sống sót tại nơi làm việc nhiều áp lực mà họ đã chọn lựa ở lại và tiếp tục “chiến đấu”. 

Nếu như cuốn sách Đối phó với những tên khốn tài ba đã bán được 800.000 bản sau hơn 10 năm xuất bản, đạt giải thưởng Quill danh giá do độc giả bình chọn vào năm 2017; thì Cuộc chiến công sở dường như cũng đang nối gót cuốn sách “tiền nhiệm” để trở thành cuốn sách được nhiều độc giả yêu thích và đánh giá cao trên trang bán sách trực tuyến và cộng đồng đọc sách lớn nhất thế giới. 

Mưu hèn kế bẩn nơi công sở (21 dirty tricks at work)

muu-hen-ke-ban-noi-cong-so-21-dirty-tricks-at-work

Nếu như ở hai cuốn sách Đối phó với những tên khốn tài baCuộc chiến công sở, bạn được làm quen với phong cách viết chặt chẽ của một Giáo sư đại học với nhiều dẫn chứng có thực trong cuộc sống, thì với cuốn sách Mưu hèn kế bẩn nơi công sở (21 dirty tricks at work) bạn sẽ được khám phá những trò bẩn nơi công sở và cách đối phó những trò bẩn này thông qua câu chuyện giả lập mà nhân vật Ben trải qua ở Tập đoàn Xonic. 

Với cách gọi tên các trò bẩn đậm chất văn hóa phương Đông, miêu tả chúng rõ ràng, đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể giúp người lao động có thể vượt qua các trò bẩn đó; bạn sẽ thấy đây là một cuốn sách bổ sung tuyệt vời cho bộ sưu tập này.

(Bạn có thấy các kế bẩn này quen không: Con tốt thí mạng, Thấy chết không cứu, Cáo mượn oai hùm, Giương đông kích tây, Phản hồi ác ý…)

Sống sót nơi công sở (HBR guide to office politics) 

song-sot-noi-cong-so-HBR-guide-to-office-politics

Với ấn phẩm của NXB Havard Business Review nổi tiếng này, một lần nữa bạn sẽ biết rằng: hầu hết các tổ chức/ doanh nghiệp trên thế giới đều có một “cơ chế chính trị” riêng với các phe phái, chiến tranh, đụng độ… 

Và điều mà tác giả Karen Dillon mang đến cho bạn trong cuốn sách Sống sót nơi công sở (HBR guide to office politics)  là những kinh nghiệm vượt lên sự cạnh tranh, tránh các trò chơi quyền lực, cách thức xây dựng các mối quan hệ tốt hơn, không chỉ áp dụng tại nơi làm việc mà bạn có thể áp dụng trong tất cả các khía cạnh khác của cuộc sống. 

Tuân theo những hướng dẫn của tác giả, bạn sẽ thấy rằng mình ít bận tâm hơn với tất cả những trò bẩn đang diễn ra xung quanh, biết cánh né tránh chúng và tập trung hơn vào những mưu cầu tích cực như nâng cao hiệu suất, phát triển bản thân và hoàn thành các nhiệm vụ mục tiêu đã đặt ra. 

Sống sót nơi công sở (HBR guide to office politics) hữu ích cho những người mong muốn tăng cường ảnh hưởng mà không muốn đánh mất chính mình, đối phó hiệu quả với những kẻ chống lưng và bắt nạt, vượt qua những cuộc đối thoại thực sự khó khăn, quản lý căng thẳng khi nguồn lực khan hiếm và triển vọng là mơ hồ, tận dụng được mặt tốt của các xung đột....

Mặc dù có rất nhiều doanh nghiệp dung túng cho những tên khốn đúng như tác giả Robert Sutton đã viết, nhưng tôi tin rằng cũng có rất nhiều cá nhân/ doanh nghiệp muốn xây dựng văn hóa tử tế cho doanh nghiệp/ tổ chức của mình, để nhân viên có thể yên tâm, hạnh phúc và thoải mái sáng tạo, cống hiến tại nơi làm việc của mình. Vì vậy tôi sẽ sớm giới thiệu với các bạn Top các cuốn sách hay nhất về xây dựng văn hóa doanh nghiệp. các bạn hãy chờ đọc nhé! Và bạn có thể đọc thêm các bài viết dưới đây


Việt Hà-Chuyên viên truyền thông, Blogger điểm sách & lan truyền cảm hứng vui sống
Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét