Đối phó với những tên khốn tài ba- cuốn sách giúp các tổ chức/ doanh nghiệp xây dựng văn hoá tử tế

Đây là bài review cuốn sách Đối phó với những tên khốn tài ba của tôi đã được đăng tải trên báo Khoa học và phát triển số ra ngày 28/3/2020.  Như mọi khi, do không gian giới hạn của tờ báo giấy, bài viết của tôi đã được rút gọn, và vì vậy trên blog này, tôi sẽ đăng lại đầy đủ bài viết để nếu quan tâm bạn có thể đọc nhé.
---  

Đối phó với những tên khốn tài ba là cuốn sách của Giáo sư Robert I. Sutton, Giáo sư của Đại học Stanford. Ông được Businessweek xếp hạng là một trong những giáo sư có ảnh hưởng vượt xa đến tư tưởng kinh doanh đương đại trong giới Hàn lâm. 

doi-pho-voi-nhung-ten-khon-tai-ba

Chia sẻ về cuốn sách này Giáo sư Robert bày tỏ, trong công việc và cuộc sống ông và nhiều người đã không ít lần chạm trán với những kẻ nhỏ nhen, xấu tính, côn đồ, xu nịnh, đểu cảng, xảo trá, đùa nhây, bạo ngược, thích gây hấn, chuyên quyền hoặc ích kỷ- ông gọi chung là những "tên khốn". Không chỉ gây ra sự khó chịu đối với đồng nghiệp, cấp dưới, những tên khốn này còn phá hoại hiệu suất của tổ chức hoặc doanh nghiệp. 

Điều đáng nói, khoa ông làm việc ở Đại học Stanford từ 15 năm trước đã duy trì nguyên tắc "nói không với lũ khốn", và họ đã tạo ra được chốn làm việc vô cùng đoàn kết và bình đẳng, đặc biệt nổi bật so với thói ti tiện nhỏ nhặt không ngừng phát sinh trong đời sống học thuật. 

Robert Sutton cũng không định viết quyển sách này. Tuy nhiên khi biên tập viên cấp cao của Havard Business Review (HBR) hỏi xin gợi ý về "những ý tưởng đột phá thường niên" của HBR, ông nói rằng phương pháp kinh doanh hay nhất mà ông biết là "nguyên tắc nói không với lũ khốn". Khi chia sẻ như vậy, Robert cho rằng HBR quá đứng đắn, cao sang - chính xác là quá câu nệ - hẳn sẽ không chấp nhận in những từ trần tục đó lên trang báo của mình. 

Song thực tế, HBR không chỉ đăng nguyên xi nguyên tắc đó dưới tiêu đề bài báo "Họ rắc rối hơn là xứng đáng" trong chuyên mục " Ý tưởng đột phá" tháng 2/2004; mà từ "lũ khốn" thậm chí còn xuất hiện tổng cộng 8 lần trong bài viết. Bản thân tác giả cũng nhận được hàng tá email phản hồi, chia sẻ đồng cảm về bài viết; điều mà ông chưa từng trải qua khi viết bài cho HBR trong suốt bao năm qua. 

Bài tiểu luận của ông sau đó đã khởi nguồn cho nhiều báo cáo, tường thuật và phỏng vấn về nguyên tắc này trên các phương tiện truyền thông đại chúng như: Đài tiếng nói quốc gia, Fortune Small Business, American Layer... Và Giáo sư Robert cuối cùng bị thuyết phục phải viết cuốn sách này. 

Tac-gia-cuon-sach-doi-pho-voi-nhung-ten-khon-tai-ba
Tác giả Robert Sutton
Trong Đối phó với những tên khốn tài ba ở chương đầu tiên của cuốn sách, tác giả sẽ giới thiệu với độc giả các khái niệm "Tên khốn nhất thời", "tên khốn a dua", "tên khốn chính hiệu", đặc điểm của họ cũng như 12 trò bẩn mà những kẻ này thường thực hiện. Điều đáng nói, ông cũng rất thẳng thắn khi cho rằng cá nhân ông cũng như bản thân nhiều người có thể đã từng một vài lần làm một "tên khốn nhất thời" do không kiểm soát được cảm xúc của mình. 

Theo ông, mỗi người đều có nguy cơ hành động như lũ khốn trong những hoàn cảnh sai lầm, khi phải chịu áp lực hoặc ở trong môi trường làm việc khuyến khích mọi người - đặc biệt là những người suất sắc nhất, quyền lực nhất - hành động theo kiểu đó. 

Nhưng đáng nói hơn cả là những " tên khốn chính hiệu", những người này liên tục thể hiện sự ti tiện ở mọi lúc mọi nơi, khiến những người xung quanh luôn cảm thấy bị xem thường, hạ thấp, chèn ép, nhụt chí, nói chung là cảm thấy tôi tệ hơn về bản thân. Và những "tên khốn chính hiệu" này có thể là những CEO, giám đốc/ trưởng một chi nhánh/ bộ phận; hoặc một người có năng lực, tự cho mình là " trên cơ" và có quyền coi thường, chèn ép người khác - họ còn có một tên khác là những "tên khốn tài ba". 

Nhiều doanh nghiệp tổ chức mặc dù biết rõ mười mươi những tên khốn chính hiệu, tài ba này; nhưng vì lụy năng lực làm việc của họ nên vẫn "mắt nhắm mắt mở" dung túng cho họ. Tuy nhiên, với nhiều bằng chứng thuyết phục, trong cuốn sách Đối phó với những tên khốn tài ba, Giáo sư Robert Sutton đã chứng minh rằng, dung túng những tên khốn này là một quyết định sai lầm. Bởi vì lợi ích mà những "tên khốn" mang lại nhỏ hơn rất nhiều so với sự phá hoại mà họ đem đến cho tổ chức. Không chỉ gây tổn thương đến nạn nhân và những người chứng kiến, những tên khốn này còn khiến tổ chức mất thời gian để "hạ hỏa" nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp bị coi thường, chèn ép; phải liên tục phỏng vấn, tuyển dụng và đào tạo người mới do nhân viên bỏ việc vì bị chèn ép; mất chi phí pháp lý, hoà giải bồi thường khi nạn nhân thưa kiện thành công; làm giảm sút năng suất lao động, tính đổi mới sáng tạo, tinh thần hợp tác, sự "hết mình" của nhân sự... nói chung là kìm hãm sự phát triển của tổ chức/ doanh nghiệp. 

Có rất nhiều tổ chức/ doanh nghiệp duy trì nguyên tắc "nói không với những kẻ khốn", và rất nhiều trong số đó nằm trong danh sách “100 nơi làm việc tốt nhất thế giới” như Google, Intel. Họ thực sự đã chứng minh được rằng, đây chính là nguyên tắc sống còn để xây dựng một tổ chức làm việc văn minh đồng thời hiệu quả nhất. Google “không dung thứ cho tình trạng lũ khốn lộng hành”, thường xuyên tiến hành sàng lọc nhân sự trong các khâu tuyển dụng, đánh giá hiệu suất và những kẻ ti tiện ấy thường không thể vượt qua được các cửa ải này. 

Việc siết chặt nguyên tắc "nói không với lũ khốn" không có nghĩa là biến tổ chức/ doanh nghiệp thành thiên đường của những kẻ nhát gan tránh né mâu thuẫn. Những doanh nghiệp và tổ chức suất sắc nhất - đặc biệt là những nơi sáng tạo nhất - luôn có những con người biết cách đấu tranh. Tại Intel, nhà sản xuất vật liệu công nghệ bán dẫn lớn nhất thế giới, toàn bộ nhân viên toàn thời gian đều được huấn luyện về "kỹ thuật đối đầu mang tính xây dựng" một dấu ấn đặc biệt trong văn hóa công ty. Các lãnh đạo và huấn luyện viên của tập đoàn đều nhấn mạnh điều xấu sẽ xảy ra khi "lũ khốn chiến thắng", khi đấu đá đồng nghĩa với công kích cá nhân, xúc phạm và đe doạ. Hệ quả tồi tệ bao gồm: chỉ có kẻ lớn tiếng, mạnh miệng nhất mới được lắng nghe, không có quan điểm đa chiều, giao tiếp nghèo nàn, áp lực cao, năng suất thấp, mọi người phải chấp nhận sống chung với thói ti tiện, sau đó rời bỏ công ty, sự đổi mới sáng tạo bị giết chết... 

Những gì Google, Intel và hàng trăm doanh nghiệp trong danh sách "những nơi làm việc đáng mơ ước nhất trên thế giới" đã và đang chứng minh tính hiệu quả và đứng đắn của quan điểm kinh doanh/ điều hành tổ chức/ doanh nghiệp này. 

Men's Wearhouse, doanh nghiệp kinh doanh com-ple thành công nhất tại Mỹ cũng chứng minh điều này khi cho biết: tổng doanh thu của hệ thống cửa hàng đã tăng lên 30% khi họ sa thải nhân viên kinh doanh suất sắc nhất nhưng “khốn kiếp” của mình... 

Và cuốn sách Đối phó với những tên khốn tài ba là cuốn sách mà Giáo sư Robert Sutton viết ra để dành cho rất nhiều đối tượng độc giả. Những người khiếp sợ và tuyệt vọng khi phải đối mặt với những lũ khốn trong môi trường công sở có thể tìm thấy trong cuốn sách những mưu mẹo để có thể sống sót giữa lũ người và môi trường làm việc ti tiện (Dù cá nhân tôi đánh giá những tình huống tác giả đưa ra có vẻ không cụ thể bằng tác giả cuốn sách Mưu hèn kế bẩn nơi công sở (21 dirty tricks at work). 

Với những người muốn soi lại bản thân, để không vô tình biến mình thành những "tên khốn nhất thời" hay "tên khốn a dua", cuốn sách này là một gợi ý tốt.



Và điều tôi đánh giá tuyệt vời nhất ở cuốn sách chính là những chứng cứ, lập luận thuyết phục mà tác giả đưa ra để chứng minh rằng môi trường làm việc văn minh không phải chỉ là giấc mộng, mà hoàn toàn có thể trở thành sự thật khi một đội nhóm hay tổ chức được quản lý theo phương pháp đúng đắn như "nói không với lũ khốn". Đọc cuốn sách, người chủ một tổ chức/ doanh nghiệp sẽ thấy được rằng: việc loại bỏ một vài thậm chí 25 tên khốn tài ba trong một tổ chức sẽ không gây ra sự xáo trộn kinh khủng như nhiều người vẫn sợ hãi, trái lại nếu làm đúng còn mang đến sự chuyển biến tích cực bất ngờ cho tổ chức/ doanh nghiệp. Hơn thế nữa, Giáo sư Robert Sutton sẽ giúp các tổ chức biết cách để thực hiện điều này với những bước đi được cụ thể, nhằm xây dựng được một doanh nghiệp/ tổ chức phát triển với văn hoá lành mạnh, tử tế, đoàn kết, luôn khuyến khích sự đổi mới sáng tạo. Và độc giả quan tâm đến chủ đề này có thể đọc thêm các cuốn như: Quy tắc của Google, Tỷ phú bán giày, Kinh doanh như một cuộc chơi... 

Đối phó với những tên khốn tài ba là cuốn sách bán chạy nhất của The NewYork Times, Wallstreet Journal và Businessweek. Bình luận về cuốn sách, diễn giả nổi tiếng, cố vấn về chiến lược đổi mới sáng tạo Chunka Mui nói: “Hãy quên các quy tắc làm việc nơi công sở đi, ‘Đối phó với những tên khốn tài ba’ mới chính xác là cuốn sách bạn cần đến, để có thể xây dựng được một nơi làm việc văn minh, hoặc có thể tồn tại được nếu chẳng may bạn rơi vào ‘cái hố’. Một cuốn sách rất đáng đọc với những quy tắc rất đáng để tuân theo!.”


Việt Hà-Chuyên viên truyền thông, Blogger điểm sách & lan truyền cảm hứng vui sống
Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét