Sự thật ta nắm giữ - cuốn tự truyện hấp dẫn của đương kim Phó Tổng thống Hoa Kỳ

“Sự thật ta nắm giữ” là cuốn tự truyện hấp dẫn, truyền cảm hứng của đương kim nữ Phó Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Kamala Harris là nữ quan chức cấp cao nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, nữ Phó Tổng thống đầu tiên; đồng thời là người Mỹ gốc Phi, gốc Á đầu tiên nắm giữ vị trí này.

“Sự thật ta nắm giữ” xuất bản năm 2019, vào thời điểm trước khi Kamala tranh cử để trở thành ứng viên tổng thống của Đảng dân chủ. Sau đó, ngày 11 tháng 8 năm 2020 bà được chọn để cùng cựu Phó Tổng thống Joe Biden tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. Tự truyện của Kamala vì vậy được nhiều nhà phê bình xếp vào thể loại “tiểu sử chiến dịch cần có”, ở đó người viết sẽ kể lại cuộc đời, con đường họ đã đi tính đến ngày hôm nay, xen lẫn với cương lĩnh chính trị của mình. Mục đích dễ thấy của cuốn sách là nhằm củng cố thêm niềm tin cho những người ủng hộ, và giành lấy sự tán thành từ những cử tri vẫn còn lưỡng lự không biết nên chọn ứng viên nào.

Su-that-ta-nam-giu-Kamala-Harris


Mang trong mình tham vọng, mục đích chính trị lớn lao nhưng rất dễ khô khan như vậy, nhưng trải qua hơn 350 trang sách, tôi thực sự thấy mình bị cuốn vào tự truyện của Kamala Harris – người giờ đây đang là nữ Phó Tổng thống đầu tiên, đồng thời cũng là người Mỹ da màu đầu tiên nắm giữ vị trí này trong lịch sử của Hoa Kỳ.

Sự cuốn hút đó đến từ chính bản thân và cuộc đời của một nữ Phó Tổng thống có rất nhiều đặc điểm và dấu mốc riêng có. Kamala Harris là con gái của một cặp vợ chồng nhập cư cấp tiến, trong đó mẹ cô là người Ấn Độ, cha cô là người Jamaica. Họ gặp nhau khi tham gia phong trào dân quyền lúc đang theo học tại Đại học Berkeley. 

Năm 25 tuổi khi sinh Kamala, mẹ bà đã có bằng tiến sĩ y khoa, và cha bà cũng đang hoàn thành chương trình tiến sĩ kinh tế tại Berkeley. Tiếc rằng, cuộc hôn nhân của họ không kéo dài được lâu. Khi Kamala được 7 tuổi và em gái bà vẫn còn nhỏ, cha mẹ bà đã ly hôn. Dầu vậy, mẹ của Kamala vẫn quyết tâm nuôi dạy bà cùng cô em gái “trở thành những phụ nữ da màu tự tin và kiêu hãnh”.

Không chỉ được đi học như bao đứa trẻ bình thường khác, ngay từ nhỏ Kamala đã được cha mẹ, sau này là mẹ bà cho tắm đẫm trong bầu tư tưởng cấp tiến, đấu tranh chống lại nạn phân biệt chủng tộc tại Mỹ; niềm tự hào về cội nguồn, kiến thức, nhận thức và sức mạnh hướng tới thực hiện những điều phi thường…

Kamala đã được mẹ dạy rằng, trở thành một người tốt có nghĩa là phải lên tiếng ủng hộ cho điều lớn hơn bản thân mình; rằng thành công được đo lường một phần thông qua những việc ta giúp người khác đạt được. “Bà nói với chúng tôi, phải đấu tranh với chế độ làm sao cho chúng trở nên công bằng hơn và không bị giới hạn bởi những điều vốn có”.

Mang trong mình niềm tin và lý tưởng sống ấy, Kamala đã quyết định theo học Đại học luật Hasting, trở thành một công tố viên, Tổng chưởng lý, rồi trở thành một Thượng nghị sĩ của Hoa Kỳ. Ở cương vị nào bà cũng nỗ lực hết mình để đem lại công lý, những đổi thay tốt nhất cho cộng đồng, xã hội, đặc biệt là những người da màu yếu thế trong xã hội.

Kamala-Harris-trong-ngay-nham-chuc-Pho-Tong-thong-

Kamala  Harris trong buổi nhậm chức Phó Tổng thống Mỹ. Ảnh: G.I

Với nhiều người, nhất là những người ở phe đối lập, “Sự thật ta nắm giữ” không chỉ phơi bày những thực trạng bất ổn của chính phủ cùng những thách thức lớn người dân Mỹ đang phải đối mặt; mà cuốn sách còn "tô hồng" hình tượng của một nữ anh hùng da màu – quan tâm sâu sắc đến công lý, công bằng xã hội, dám đương đầu với một loạt vấn đề hóc búa, và khẳng định mình là một trong những tác nhân thay đổi mạnh mẽ, mới mẻ nhất của cơ quan thực thi pháp luật Mỹ.

Có điều, dù không thích, nhưng nhìn vào một loạt những thành tựu mà Kamala Harris đã đạt được trong chặng đường đã qua của mình, họ không thể không đồng ý là bà đã nói/ viết rất đúng về bản thân. Để cuối cùng, gấp lại cuốn sách “Sự thật ta nắm giữ” độc giả mừng cho người dân nước Mỹ, dường như đã sáng suốt lựa chọn được một nhà lãnh đạo nhân hậu, tài ba, có tầm nhìn xa; có thể giúp họ giải quyết được nhiều bất cập còn tồn tại trong đời sống xã hội nước Mỹ trong tương lai gần.

Như vậy, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi các chuyên gia và người dân ở nhiều nơi trên thế giới dự đoán, Kamala sẽ là một ứng viên tổng thống nặng ký trong lần bầu cử tới của Hoa Kỳ.

Và tôi cho rằng “Sự thật ta nắm giữ” là cuốn sách nên đọc với nhiều đối tượng độc giả: những người làm trong các cơ quan công quyền muốn hiểu thêm về đương kim Phó Tổng thống Hoa Kỳ; những nhà lãnh đạo muốn học hỏi cách thức đối mặt và giải quyết những vấn đề hóc búa trong lãnh đạo, quản lý; những người muốn được truyền cảm hứng trên con đường sự nghiệp. Thậm chí ngay cả các bậc phụ huynh, đặc biệt là các bà mẹ có khát khao nuôi dạy con cái thành công, cũng có thể tìm thấy trong cuốn sách kinh nghiệm nuôi dạy con hiệu quả của mẹ bà Kamala.

Review ngoài lề: 

Trong tay sách cuối cùng của cuốn sách “Sự thật ta nắm giữ” là những hình ảnh tiêu biểu trong hành trình đã qua của đương kim Phó Tổng thống Hoa Kỳ. Trong đó tôi ấn tượng về hình ảnh của cha mẹ bà, đặc biệt là người cha có đường nét trên khuôn mặt hài hòa cân xứng, khá giống với khuôn mặt của nhiều người Việt tôi đã từng gặp qua trong cuộc sống. Kamala Harris được thừa hưởng phần nhiều vẻ đẹp từ cha bà, người đàn ông rất có thể có cùng chung tổ tiên xa xưa với người Việt. Nếu ai đã đọc cuốn sách rồi, đồng thời đã tìm hiểu ít nhiều về tổ tiên hàng trăm nghìn năm trước của người Việt, xin hãy bình luận vào dưới bài viết này, để cho tôi biết ý kiến của bạn với. Cảm ơn bạn :D.

Việt Hà- Chuyên viên truyền thông & Blogger điểm sách

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét