Chuyện tôi rèn luyện thói quen đọc sách và viết luận cho con

Như tôi đã chia sẻ, tôi có hai cậu con dại khờ và cả hai đều thích đọc sách. Cậu con trai thứ hai 12 tuổi của tôi vừa viết một bài điểm sách (review sách) đầu tiên, và bài viết đó cũng được chọn để đăng trên báo Khoa học và phát triển.  Ảnh chụp bài báo đó đây:

Bài báo của Ngọc Khải- con tôi

Còn đây là link bài viết đã tôi đã post lại trên website sothich.net của tôi: Đột phá- Hành trình thay đổi thế giới của một thần đồng khoa học. 

Bài viết hơn 1.000 chữ này con trai tôi hoàn thành trong 90 phút. Chất lượng đạt 90%, tôi chỉ phải sửa khoảng 10% để có được bài viết gửi cho ban biên tập. (Bài đăng báo thì đã được người bạn tôi, biên tập viên của tờ báo, biên tập lại cho sắc, ngắn để vừa với khổ báo).

Còn về phần cậu cả, tôi chưa yêu cầu con viết bài điểm sách nào, nhưng qua những cuốn sách con đọc và những bài luận con đã viết, tôi chắc rằng khả năng viết của con cũng không tồi.

Có thể nói tôi đã bắt đầu nhìn thấy những thành quả đầu tiên từ quá trình miệt mài rèn luyện cho con có thói quen đọc sách. 

Bố mẹ nào cũng biết, đọc sách là thói quen rất tốt, giúp hỗ trợ hình thành nhiều kỹ năng quan trọng cho cá nhân trong cuộc sống. Người đọc sách có vốn từ và kiến thức phong phú; để từ đó họ có thể tự tin phát triển nhiều kỹ năng cần thiết khác như: viết luận, thuyết trình, đào sâu phát triển chuyên môn của bản thân sau này... 

day-con-doc-sach

Một đứa trẻ nếu không có thói quen đọc sách từ nhỏ, khi lớn lên rất khó để yêu cầu chúng đọc sách chuyên ngành, nhằm nâng cao tri thức cho bản thân, rút ngắn quá trình "thử- sai" trong lãnh đạo, quản lý, kinh doanh; hay quan trọng hơn là hiểu được ý nghĩa của cuộc đời, để có thể sống một cuộc đời vui vẻ- hạnh phúc- có ý nghĩa... 

Bởi rất nhiều các kinh nghiệm quý giá đó đều được các bậc tiền nhân, các nhà quản lý, lãnh đạo, người làm kinh doanh thành công... đúc kết, chia sẻ qua các cuốn sách.

Dĩ nhiên, đọc sách nhiều mà không có kinh nghiệm thực tế, hay biết áp dụng vào thực tế thì cũng "vứt". Nhưng không biết đọc sách, áp dụng những kiến thức và kinh nghiệm quý giá của những người thành công đã chia sẻ - mà cứ tự mình mày mò mãi, thử nghiệm mãi mà vẫn thấy thất bại - thì cũng đáng "bỏ đi"!

Đọc sách không là điều kiện tiên quyết duy nhất để giúp hình thành nên thành công của một người. Nhưng nó là điều kiện cần có của rất nhiều người thành công. Giống như một ai đó đã nói: Đọc sách không giúp hình thành nên một tỷ phú. Nhưng hầu hết các tỷ phú thành công trong thế giới đương thời như Bill Gates, Warren Buffet,  Steve Jobs, Jeff Bezos, Elon Mush... đều là những người có thói quen đọc sách hàng ngày, hàng tuần.

Thực tế, để cho một đứa trẻ lớn lên, có một lượng tri thức và kinh nghiệm nhất định, làm được việc đơn giản là kiếm đủ tiền nuôi sống được bản thân và gia đình; tài giỏi hơn là thực hiện được những công việc cao cả lớn lao, giúp ích cho cả cộng đồng, xã hội; thì mỗi người làm cha mẹ như chúng ta phải truyền đạt và rèn luyện cho con rất nhiều kỹ năng và kiến thức. Nhưng một trong những kỹ năng gốc rễ, như là cánh cửa mở ra nhiều cánh cửa khác, đó chính là kỹ năng đọc sách!

Quay trở lại với những cậu con dại của tôi, tôi đã có ý thức rèn cho con thói quen đọc sách từ khi còn rất nhỏ. Mặc dù, hiện tại và tương lai tôi vẫn phải đồng hành cùng con trong quá trình này - để giúp con biết chọn sách hay/ hữu ích để đọc, biết áp dụng linh hoạt vào cuộc sống...- nhưng trong bài viết này, tôi vẫn muốn chia sẻ một chút ít kinh nghiệm cho các bố mẹ muốn rèn luyện thói quen đọc sách, cùng khả năng viết luận cho con.

Thứ nhất, muốn cho con đọc sách, cha mẹ phải là người đọc sách. Được cả hai thì tốt, không thì một trong hai. Ở nhà tôi, vì thói quen và công việc của bản thân, tôi là người đọc sách nhiều hơn chồng tôi, thậm chí... vào toa-lét cũng mang theo sách đọc. Và thời gian qua đi, 2 cậu con dại bây giờ cũng giống hệt như tôi... vào toa lét cũng mang theo sách đọc.

Ở gia đình tôi, sách có ở khắp nơi trong nhà. Trên tầng 3 là một giá sách lớn chạy kín một bức tường. Ở tầng 2 có một giá sách nhỏ. Cái bàn nhỏ ở hai đầu giường lúc nào cũng có vài cuốn sách. Ở tầng 1, trên tủ giày phía dưới gầm cầu thang, thi thoảng tôi lại thấy "lòi ra" vài tập sách. Hóa ra các con tôi lôi sách vào toa lét, rồi nhét tạm ở đó.

Tu-sach-cua-gia-dinh-Viet-Ha

Tủ sách trên tầng 3 của gia đình tôi

Thứ hai, cha mẹ phải đồng hành cùng con trong quá trình đọc sách và rèn luyện khả năng viết, chia sẻ. Khi con còn ở tuổi mầm non và tiểu học, lý tưởng nhất là cha mẹ có thể dành ra nửa tiếng hoặc là hơn càng tốt, để đọc sách cùng con mỗi ngày. 

Ở giai đoạn chuyển tiếp, ví dụ như cha mẹ muốn con chuyển từ đọc truyện tranh sang đọc sách có nhiều chữ, cung cấp nhiều kiến thức hơn; thì cha mẹ hãy áp dụng lại chiêu thức 'đọc sách cùng con' tôi đã kể ở trên. Hơn thế nữa, mỗi ngày đọc cùng con khoảng 10 trang sách; vừa là cách giao lưu tình cảm giữa cha mẹ và con cái; vừa giúp con làm quen và không ngại đọc sách dạng này.

Sau khi đọc cuốn sách, tôi luôn luôn yêu cầu các con tóm tắt lại nội dung của sách, nêu những tình tiết hoặc câu nói nổi bật; đánh giá nó hay dở theo góc nhìn của con... bằng cách nói, hoặc viết. Đây chính là cách tôi rèn dần cho con khả năng viết mỗi tuần, mỗi tháng.

Thứ ba, hãy mua những cuốn sách phù hợp với lứa tuổi và hay nhất cho con để kích thích, khơi gợi niềm ham mê đọc sách của con. Ở nhà tôi lúc con tôi trong độ tuổi mầm, tôi thường mua cho con những cuốn sách nho nhỏ, mỗi trang sách đều in màu đẹp đẽ, được bồi giấy cứng như một tấm bìa, con có thể tha hồ quăng, xé mà không hề bị rách. 

Lúc con ở trong độ tuổi lá, độ dày của trang sách mỏng đi, nhưng nội dung và màu sắc thì vẫn phải bắt mắt và hấp dẫn. Tôi thường chọn các bộ sách truyện mà qua đó con có thể rèn luyện cho mình nhiều thói quen tốt như: biết ăn ngủ đúng giờ, biết giữ gìn vệ sinh, biết lễ phép và quan tâm người khác... 

Lúc con học tiểu học, tôi mua những bộ truyện tranh hấp dẫn, sách giáo dục kỹ năng thú vị, có hình ảnh minh họa bắt mắt, có lượng chữ vừa đủ để con hào hứng đọc.

Tương tự thế, khi con học cấp 2, muốn con chuyển sang đọc sách chữ, tôi vẫn mua truyện tranh cho con, nhưng thêm vào đó, tôi mua  những cuốn truyện in chữ to vừa và hấp dẫn như những cuốn truyện được chuyển thể từ các bộ phim hoạt hình nổi tiếng của Disney, những chuyến thám hiểm vòng quanh thế giới, lên mặt Trăng, bay vào vũ trụ... Vì đứa trẻ nào chẳng tò mò khám phá và mang ở trong mình những ước mơ bay bổng; nên bằng cách này, tôi đã dụ được con đọc sách có nhiều chữ, bên cạnh đống truyện tranh cao ngất ngư...

Thi thoảng tôi cũng cho con đi nhà sách, hội sách, cho con tự chọn vào trong giỏ những cuốn sách yêu thích của mình (kể cả đó là đống truyện tranh nhí nhố).

Bo-sach-khi-Zozo-hieu-ky

Đứa trẻ nào tôi biết cũng yêu thích bộ truyện Chú khỉ Zozo hiếu kỳ này 

Thứ tư, hình thành nên một "cộng đồng đọc sách" quanh con. Đó là những anh chị em họ, những người bạn cùng lớp, cùng khu. Chúng sẽ cùng đọc sách và thường xuyên í ới cho nhau, kể về quyển sách vừa mới đọc (bạn hãy cố học cách phớt lờ nếu trong số sách này có rất nhiều truyện tranh, hoặc thi thoảng các anh chàng, cô nàng lại trao đổi về một bộ phim, một trò game hay mấy trò xàm xí của một youtuber nào đó... :D). Quà sinh nhật của tôi cho các cháu, và một vài người bạn của con tôi luôn là những cuốn sách, bộ sách.

Thứ năm, hãy khích lệ khi con đạt được một tiến bộ trong quá trình đọc sách. Ví như cho con mua vài cuốn truyện tranh mà con thích, cho con đến một khu vui chơi, cho con ăn một bữa thỏa thích mì tôm hay xúc xích - món ăn mà thường ngày cha mẹ vẫn cấm tiệt con cái vì nó có hại cho sức khỏe... (Các con tôi rất thích ăn mì tôm, vì đây là món ăn không tốt cho sức khỏe, và tôi thường cấm chúng; nhưng thi thoảng làm phần thưởng thì ok). 

Một số người bạn tôi còn cho con trải nghiệm thực tế. Ví như đọc cuốn sách Thuyết minh trực quan nhất về hệ Mặt Trời, Thuyết minh trực quan nhất về đại dương trong bộ sách của Dorling Kindersley, thì cô ấy sẽ cho con đến Đài thiên văn Hòa Lạc để con thoải mái quan sát quan sát các hành tinh gần trái đất; lặn biển ngắm san hô ở Nha Trang; hay đơn giản hơn là cho đi cắm trại trong rừng sau khi đọc sách về kỹ năng sinh tồn...

Day-con-doc-sach-can-kien-tri-nhu-trong-cay


Việc rèn luyện cho con thói quen đọc sách giống như việc trồng một cái cây, bạn không thể hy vọng hôm nay mình gieo hạt, thì ngày mai hay tuần sau, tháng sau là có thể hái quả. Công việc này, giống như việc bạn ngày ngày truyền đạt cho con những kiến thức và kinh nghiệm sống mình đã tích lũy được trong bao năm qua. Nó cần bạn bỏ ra thời gian và khá nhiều kiên nhẫn. Đổi lại tôi cho rằng, thành quả mà bạn và con bạn thu được sẽ là rất đáng kể.

Viết đến đây tôi lại nhớ một bức tranh tôi đã từng được xem. Bức tranh vẽ ba người đứng trong một ngôi nhà có cửa sổ nhìn ra một phong cảnh tươi đẹp. Người nghèo khổ ít tri thức, không có tiền lót ở dưới chân chỉ nhìn thấy một bờ tường tối đen ở trước mặt. Người có rất nhiều tiền ở dưới chân, nhưng tri thức hạn hẹp, thì tầm nhìn vượt lên khung cửa; cuối cùng trước mặt họ vẫn là một phần của bức tường cùng một phần cảnh trí hạn hẹp ở trước mặt. Chỉ có người có lượng  tiền vừa đủ ở dưới chân, có tri thức, mới có được cái nhìn bao quát và trọn vẹn về cảnh trí tươi đẹp ngoài căn nhà trước mặt. (Nếu tôi tìm lại được bức tranh đó, tôi sẽ tải lên đây cho các cùng xem).

Nếu có được thói quen đọc và biết cách đọc sách, những đứa con thơ dại và thân yêu của các bạn sẽ rất sớm hiểu được lẽ đời, ý nghĩa của cuộc sống, để biết cách sống sao cho thành công và hạnh phúc. Chứ không phải như nhiều người ngoài cuộc sống chen chúc và chật chội ngoài kia, đến cuối đời mới thở dài tiếc nuối.

- -

Và riêng cá nhân tôi, tôi sẵn sàng giải đáp và tư vấn cho các bạn những hiểu biết cùng kinh nghiệm của tôi trong quá trình rèn luyện thói quen đọc sách cho con trẻ. Nếu bạn cần trò chuyện cùng tôi, hãy liên lạc với tôi qua website này hoặc nhắn tin vào Facebook của tôi: FB Việt Hà

Do yêu cầu của công việc, từ tháng 5/2021, tôi có thực hiện việc bán sách bằng đam mê. Tôi chia sẻ công việc đó ở bài viết này: Khi đam mê dẫn lối, đưa đường. Và bạn có thể đọc để hiểu thêm về tôi nhé!

Đọc thêm:

Sách thiếu nhi hay dành cho lứa tuổi mầm non và tiểu học (P1)

Tôi đã "ngã" vào sách của Dorling Kindersley- DK như thế!

Việt Hà- Chuyên viên truyền thông & Blogger điểm sách   

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét