Thế giới cho đến ngày hôm qua…

 Xin được giới thiệu tới bạn đọc một bài viết khác của tôi về cuốn sách “Thế giới cho đến ngày hôm qua” của Jared Diamond được đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần số ra ngày hôm qua (26/6/2015). Xin cảm ơn chị X.L đã làm cho bài viết của tôi mềm mại hơn so với nguyên gốc.
Một cây cầu bê tông nhỏ, mới, bắc qua một con sông nhỏ ở huyện Cần Đước, Long An, vừa được đưa vào sử dụng. Cầu do người dân địa phương góp tiền xây.  Nó thay thế cho cây cầu gỗ cũ đã yếu mục theo năm tháng. Nhưng khi cây cầu mới hoàn tất, cây cầu gỗ vẫn được để yên…
Người dân địa phương cho biết họ không phá bỏ chiếc cầu gỗ vì muốn giữ lại kỷ niệm của một thời: họ đã lớn lên với bao thăng trầm lịch sử cùng chiếc cầu già nua này. Mặt khác, họ không muốn làm buồn lòng những người, cũng giống họ, từng đóng góp để dựng nên chiếc cầu gỗ này nhiều thập niên trước đó, mà con cháu họ nay vẫn còn trân quý và tự hào công lao của cha ông.
Hình ảnh này không khỏi khiến người ta liên tưởng đến sự hiện diện đan xen của những xã hội truyền thống và hiện đại trong quyển sách “Thế giới cho đến ngày hôm qua” của Jared Diamond, một công trình  giúp chúng ta hiểu thấu đáo hơn về xã hội hiện đại.
The gioi cho den ngay hom qua
Các xã hội truyền thống, theo Jared Diamond, nói chung là hình ảnh của hàng ngàn thử nghiệm tự nhiên về cách thức tạo dựng xã hội loài người. Chúng tạo ra hàng ngàn giải pháp cho các vấn đề của con người, và hoàn toàn khác biệt với những giải pháp được lựa chọn bởi các xã hội hiện đại. Một số giải pháp – ví dụ,một số cách nuôi con, đối xử với người già, duy trì sức khỏe, nóichuyện, sử dụng thời gian nhàn rỗi – có thể khiến độc giả ngạc nhiên vì những giải pháp đó quá tốt so với hiện thực ở thế giới thứ nhất.
Đơn cử vấn đề cơ chế tư pháp truyền thống. Từ cách xử lý hậu quả một cái chết vì tai nạn giao thông ở một cộng đồng nhỏ của Papua New Guinea, tác giả giải thích những khác biệt của cơ chế tư pháp truyền thống với hệ thống tư pháp nhà nước hiện đại. Trong đó, cơ chế tư pháp truyền thống có thể dạy ta nhiều điều: mục đích chính của xã hội truyền thống New Guinea là khôi phục lại mối quan hệ trước đó, kể cả khi nó chỉ đơn thuần là “tình trạng không quan hệ”. Yếu tố then chốt để khôi phục mối quan hệ bị tổn hại là “thừa nhận và tôn trọng cảm xúc của nhau”.
Với xã hội New Guinea truyền thống, việc xác lập tội danh hay sự tắc trách hoặc hình phạt theo khái niệm phương Tây không phải là vấn đề chính!. Khó tưởng tượng điều tương tự xảy ra ở xã hội hiện đại phương Tây, khi ngay sau tai nạn giao thông đó, gia đình nạn nhân sẽ lên kế hoạch cho một vụ kiện dân sự, còn gia đình của người vô tình gây tai nạn sẽ chạy đôn chạy đáo hỏi ý kiến luật sư và các nhà môi giới bảo hiểm để chuẩn bị biện hộ. Giải quyết các mâu thuẫn một cách hòa bình với nhiều tính nhân văn hơn – có thể có ích trong việc gợi ý chính sách cho toàn thể xã hội.
“Động cơ của chúng ta….truyền lại một thế giới phong phú và mạnh mẽ, thay vì một thế giới nghèo nàn và suy sụp cho con em chúng ta” - (t. 523)
Hay liên quan tới vấn đề sức khỏe, tác giả chỉ ra rằng, hầu hết chúng ta, những công dân của các nhà nước hiện đại sẽ chết vìcác bệnh không truyền nhiễm – béo phì, cao huyết áp, đột quỵ, đau tim, các loại ung thư và các bệnh khác – vốn rất hiếm hoặc không hề được biết đến ở những người sống trong xã hội truyền thống vốn có một lối sống lành mạnh, vận động nhiều hơn và thường dung nạp những đồ ăn sạch, có lợi cho sức khỏe… Tuy vậy chính những người này lại nhiễm phải các bệnh nói trên chỉ trong vòng một hoặc hai thập niên áp dụng lối sống Tây phương hóa.
Jared Diamond cho biết, nghiên cứu của ông đã khiến nhiều cá nhân hiện đại suy nghĩ về những thực tế này, thayđổi lối sống của họ, và nhờ vậy họ kéo dài tuổi thọ cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Ông cũng kết luận, nếu những căn bệnh này giết chết chúng ta, thì đó là do chúng ta cho phép chúng thực hiện điều đó.
Tuy vậy, theo tác giả cuốn sách chúng ta cũng không nên đi đến thái cực đối lập là lãng mạn hóa quá khứ và trông đợi một thời đại đơn giản hơn. Bởi chúng ta có thể xem mình như có phước mới loại bỏ được nhiều tập tục truyền thống như: cúng tế bằng trẻ em, bỏ rơi hoặc giết chết người già, rủi ro của nạn đói định kỳ, các hiểm họa thiên nhiên và bệnh dịch... Nhưng cần xác lập rằng các xã hội truyền thống không những chỉ cho chúng ta một số tập tục sống tốt hơn, mà còn giúp chúng ta trân trọng những lợi thế của xã hội mà chúng ta cho là hiển nhiên.
Việc tận dụng sự thông thái của người già; làm cách nào bảo vệ ngôn ngữ, vấn đề tôn giáo…qua các thí dụ hấp dẫn mà Jared Diamond giới thiệu khi tìm kiếm từ truyền thống, sẽ đưa ra nhiều gợi ý hữu dụng cho độc giả. Không ít trong chúng ta không nhận ra đang sống trong sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại, mà sự gạn lọc sẽ giúp ta sống tốt đẹp, hoặc đơn giản chỉ là thanh thản hơn. Như sự hiện diện mộc mạc của hai cây cầu đứng cách nhau chỉ vài mét trên một con sông nhỏ.
Jared  Diamond là giáo sư Địa lý học tại Đại học Los Angeles (Hoa Kỳ), đã nhận nhiều giải thưởng danh giá: Huy chương khoa học Quốc gia, Giải thưởng Tyler về thành tựu môi trường, Giải thưởng Cosmos của Nhật Bản…Các tác phẩm nổi tiếng của ông: Súng, vi trùng và thép, Sụp đổ, Vì sao tình dục lại thú vị ..

-          Nguyễn Thị Việt Hà -

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét