7 loại hình thông minh sợ gì IQ thấp!

Một trong những cuốn sách phát triển tư duy, trí thông minh, phát triển cá nhân, mà tôi luôn luôn giới thiệu với những người bạn lần đầu tiếp xúc với dòng sách giáo dục là cuốn sách 7 loại hình thông minh của Alpha Books (phiên bản giản lược/ ngắn gọn hơn là: Bạn thông minh hơn bạn nghĩ). Vì cuốn sách này phản ánh rất đúng trí thông minh của con người gắn liền với sự đa dạng về ngành nghề trong cuộc sống hiện nay. 

Cuốn sách giải thích một thực tế là có nhiều người IQ cao nhưng vẫn không thành công trong cuộc sống và ngược lại, cũng như cách thức để phát hiện và phát triển các loại hình thông minh vượt trội của chính bạn và người thân; để chúng ta có thể hạnh phúc và thành công hơn trong cuộc sống.


7 loại trí thông minh

Lâu nay, người ta thường đánh giá khả năng trí tuệ của con người thông qua các bài trắc nghiệm IQ. Những người có chỉ số trắc nghiệm IQ cao thường được xã hội ca tụng và trọng vọng, nhất là những ai đạt được các đỉnh cao thành công. Tuy nhiên, rất nhiều bậc vĩ nhân trong lịch sử lại có chỉ số IQ thấp đến mức ngạc nhiên, ngược lại nhiều cá nhân có chỉ số IQ đạt mức kỷ lục lại có một cuộc sống hết sức... làng nhàng, gây thất vọng cho bao người hâm mộ. Vậy thì phải chăng IQ không phải là một gậy thần để đo trí tuệ, khả năng tư duy, chỉ số thông minh của nhân loại? Xuất hiện từ năm 1983, Lý thuyết “đa thông minh” - Theory of multiple intelligences (MI) – được nhà Tâm lý học Howard Gardner, GS. ĐH Harvard đưa ra lần đầu tiên ngày càng được nhiều nhà nghiên cứu khẳng định.

Không chỉ là IQ

Bạn hãy dành một chút thời gian để tưởng tượng rằng bạn đang sống trong thời kỳ tiền sử. Nửa đêm bạn bị đánh thức bởi tiếng động như sấm của một đàn voi ma mút đang di chuyển về phía lều trại của bạn. Bây giờ bạn có thể đưa bất cứ cá nhân ưu việt nào của thế kỷ XX vào tình huống đó để giúp bạn thoát khỏi tình thế ngàn cân treo sợi tóc ấy.

Ai sẽ là người như vậy? Albert Einstein? Không thể được vì ông ấy quá nhỏ bé. James Joyce thì sao? Rất tiếc vì ông ta bị cận thị nặng. Vậy Franklin Delano Roosevelt thì thế nào? Phải, nếu ông ta không ngồi trong một chiếc xe lăn thì có thể ông ta sẽ làm được điều đó, nhưng rất tiếc sự thực lại không phải như vậy. Và những người đàn ông nổi tiếng nhất của thế kỷ XX trở nên ít hữu dụng vào lúc bạn cần như thế này. Trên thực tế là nhiều người trong số họ sẽ gặp nguy hiểm và nhanh chóng bị tiêu diệt trong môi trường nguyên thuỷ. Theo cách khác, nếu tôi gợi ý cho bạn đưa ra một ai đó như Michael Jordan hay Arnold Schwarzenegger thì chắc là họ sẽ giúp bạn thoát khỏi tình thế khó khăn trên.

Trong hoàn cảnh này cần phản xạ nhanh, khả năng định hướng không gian nhạy bén, tốc độ, sức mạnh và sự lanh lẹ, nhiều hơn là cần đến phương trình ánh sáng (E=MC), một tác phẩm văn học (Finnegans Wake) của James Joyce hay một chương trình cải cách kinh tế (New Deal).

Bạn thông minh hơn bạn nghĩ
 
Ngoài ra, còn có cách định nghĩa trí thông minh là khả năng ứng phó thành công với hoàn cảnh, điều kiện mới và năng lực học hỏi được từ kinh nghiệm đã trải qua của cá nhân khác. Thử tượng tượng nếu xe ô tô của bạn bị hỏng ngay giữa đường cao tốc, ai là người thông minh nhất để giải quyết vấn đề này? Liệu đó sẽ là một tiến sỹ triết học ở một trường đại học lớn hay là một thợ sửa xe với trình độ phổ thông trung học?

Nếu bạn bị lạc ở giữa một thành phố rộng lớn thì ai có thể là người giúp đỡ bạn nhiều nhất? Sẽ là một vị giáo sư đãng trí hay là một cậu bé có giác quan định hướng ưu việt? Có thể thấy trí thông minh phụ thuộc vào hoàn cảnh, nhiệm vụ và những yêu cầu mà cuộc sống đặt ra cho chúng ta, chứ không phải căn cứ vào một chỉ số IQ, một tấm bằng đại học hay một chức danh uy tín. Kết quả nghiên cứu trên những chỉ số có tính dự đoán của các bài kiểm tra IQ đã khẳng định điều này.

Mặc dù các bài kiểm tra IQ dự đoán được khá chính xác thành công của học sinh, sinh viên khi còn đang đi học, nhưng chúng lại thất bại trong việc chỉ ra các sinh viên làm việc và có thể thành công ra sao trong cuộc sống thực, sau khi rời khỏi ghế nhà trường. Một nghiên cứu đối với nhiều chuyên gia đạt được nhiều thành công trong cuộc sống cho thấy, có đến 1/3 trong số họ có chỉ số IQ thấp. Như vậy một thông điệp rõ ràng là: Các bài kiểm tra IQ mới chỉ đánh giá được thứ có thể tạm gọi là “năng khiếu đi học”, trong khi trí thông minh thật sự phải được hiểu trong phạm vi rất rộng lớn với nhiều loại tư duy khác nhau.

7 loại hình thông minh

Cuốn sách 7 loại hình thông minh (phiên bản rút gọn là: Bạn thông minh hơn bạn nghĩ) của GS Howard Gardner bàn về những cách biểu hiện khác của trí thông minh. Nó không phải là một dạng vật chất kỳ diệu nằm trong não, có thể đo được bằng cách kiểm tra chỉ số IQ, hay trí thông minh như là một nhiễm sắc thể ưu tú được ban tặng cho một số ít những cá nhân may mắn ngay từ lúc mới sinh ra; mà thay vào đó có rất nhiều dạng thông minh khác nhau, và có thể mỗi chúng ta đều đang sở hữu một hoặc vài loại trí thông đó. 

Thực tế, nền văn hóa của chúng ta đã quá chú trọng vào lối tư duy lô-gíc và tư duy bằng lời nói - đây là những năng lực chủ yếu được đánh giá trong một bài kiểm tra trí thông minh (IQ), trong khi đó đã bỏ qua những dạng khác của trí tuệ và sự hiểu biết. Howard Gardner- cha đẻ của thuyết đa thông minh- đưa ra ý kiến là có ít nhất 7 loại hình thông minh khác nhau, đều xứng đáng được coi như những cách thức quan trọng của suy nghĩ và tư duy bao gồm: thông minh về ngôn ngữ, thông minh lô-gíc - toán học, thông minh về không gian, thông minh về âm nhạc, thông minh của cơ thể (khả năng vận động thân thể), thông minh về năng lực tương tác, thông minh nội tâm (năng lực tự nhận thức bản thân)

Con người trong thực tế, luôn luôn sở hữu tất cả 7 loại trí thông minh với "mức độ" khác nhau. Hơn thế nữa, ai cũng có thể phát triển một trong số 7 loại trí thông minh nói trên của mình đến một mức độ đáng kể, để có thể sử dụng thành thạo trong cuộc sống và sự nghiệp của mình.

Nếu bạn thực sự quan tâm đến Lý thuyết “đa thông minh” này của GS Howard Gardner hãy đọc tiếp phần 2 của bài viết: Chi tiết về 7 loại hình thông minh

Đọc thêm:
Tư duy nhanh và chậm: Cuốn sách đột phá về tư duy của con người

Blog Sothich.net - Nguyễn Thị Việt Hà 

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét