Những đứa con về từ dông bão

Đây là một bài review khác của tôi về cuốn tiểu thuyết hay Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên đăng trên báo Tuổi trẻ cuối tuần số 32- 2015. Một cuốn sách mới đầu gây ấn tượng với tôi về tên gọi, sau đó là một chút khó chịu về sự thô ráp (bởi tôi vốn thích văn chương mượt mà), cuối cùng là sự cảm động mạnh mẽ về tính nhân văn, hồi chuông cảnh tỉnh với nhiều người Việt, nhất là những cô gái trẻ ở các vùng quê vẫn đang nghĩ về Hàn Quốc như một thiên đường ảo diệu.


Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên
  
Dù cuộc đời ngoài kia có tàn khốc và nghiệt ngã đến đâu, thì vẫn còn bến bờ bình an là gia đình cho thuyền con cập bến, lánh nấp trong khoảnh khắc nào đó giữa sóng gió cuộc đời, như cuốn tiểu thuyết Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên (*) nhắc nhở. Không màu mè hay cầu kỳ với các thủ pháp nghệ thuật, câu chuyện của một gia đình Hàn Quốc được tác giả Cheon Myeong Kwan kể lại giản dị, thô ráp hiện thực.

In Mo, 48 tuổi, nhàu nhĩ, nghiện rượu, đang khủng hoảng vì sự nghiệp đạo diễn lụn bại, vợ bỏ theo người khác, sống trong một căn hộ đổ nát và không thể trả tiền thuê nhà. Vào thời điểm tuyệt vọng nhất, anh nhận được cuộc điện thoại từ mẹ muốn gọi anh về nhà ăn cháo gà. Vẫn là lời mời bị anh từ chối như bao lần trước đây; lúc này bỗng cứu anh thoát khỏi vực thẳm. In Mo quyết định về nhà mẹ ăn cháo gà.

Ở thời điểm anh quyết định ở lì nhà mẹ, In Mo phát hiện ông anh trai 52 tuổi, nặng 120kg, mang trong mình 5 tiền án, thất nghiệp, đã ở đó ăn bám mẹ từ bao giờ.

Chưa hết, rất nhanh trong nhà lại xuất hiện cô em gái hơn 40 tuổi, trăng hoa tai tiếng với đứa con gái ngỗ nghịch của mình trở về nhà sống sau ly hôn.

Căn nhà 80m2 với ba phòng ngủ, trong khu chung cư nghèo nàn vùng ngoại ô có nhiều bà già chỉ thích soi mói, bàn tán chuyện nhà khác từ im ắng, vắng vẻ, bỗng chốc nhốn nháo, chật chội đến khác thường. Mà điều ngạc nhiên (hay không đáng ngạc nhiên) là bà mẹ hơn 70 tuổi, hiện vẫn đang phải kiếm sống bằng nghề bán mỹ phẩm dạo, vẫn bình thản dang tay đón nhận tất cả sự trở về, theo lời hàng xóm là “đầy ô nhục” ấy.

Bà dàn xếp những nắm đấm hai thằng con “bất đắc chí” giành cho nhau, dàn xếp những lời lẽ cay nghiệt mà cả ba đứa con “bị đời đóng dấu thất bại” không tiếc công sức ném vào mặt nhau. Bà lẳng lặng chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn nhiều chất đạm, rồi lặng lẽ nhìn đàn con như lũ chim non há mỏ, chí chóe giành ăn, như bù đắp lại cả quãng thời gian thiếu thốn thời gian qua.

Bà mẹ ấy không tìm ra được nguyên nhân vì sao các con của mình lại thất bại trên đường đời. Bà chỉ biết nói mấy câu đơn giản “Con người ta càng khó khăn , thì càng phải ăn uống cho đàng hoàng” hay “Con đói lắm phải không? Mau về nhà ăn thôi” mỗi lần đón con ra tù hoặc “Chỉ cần khỏe mạnh là được”. Tất cả những gì bà có thể làm là đón con cái về nhà và cơm nước cho chúng. Nhưng “Xét về mặt nào đấy, việc mẹ cho chúng tôi ăn thịt cũng không khác gì với việc mẹ đối mặt và chiến đấu với cuộc đời đã khiến chúng tôi thảm hại không thương tiếc. Và điều đó cũng có nghĩa, chúng tôi ăn cơm mẹ nấu, sốc lại tấm thân mình, sau đó lại bước ra, tiếp tục chiến đấu với cuộc đời ”

Thực tế, bằng những hành động giản dị và sự quan tâm thầm lặng của mình, bà mẹ ấy đã xoa dịu những vết thương nhức nhối trong lòng những đứa con bị cuộc đời “đóng dấu thất bại” và “quá khứ ngáng đường”; động viên chúng gắng gượng đứng dậy làm lại cuộc đời. Dù cuối cùng In Mo, đứa con mà bà kỳ vọng nhất, (mới) chỉ có thể quay những bộ phim ero- tình dục nghệ thuật; đứa con gái tìm thấy niềm vui trong cuộc hôn nhân thứ ba… nhưng đó đã là thành công vượt bậc so với ý định tìm cách tự sát rồi!

Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên còn là một bức tranh xã hội của Hàn Quốc. Khác xa xã hội với nhà cửa lộng lẫy, xe cộ và quần áo bóng loáng, là lượt với những trai xinh, gái đẹp thành đạt, có mối quan tâm duy nhất là tình yêu mà nhiều bộ phim Hàn vẫn “nhồi” vào đầu khán giả Việt trên sóng truyền hình vào khung giờ “vàng” mỗi ngày, là một xã hội cũng giống như bao xã hội, phức tạp, bon chen và khắc nghiệt trên Trái đất này. Ở đó, con người muốn tồn tại và tìm được ý nghĩa của cuộc sống đều phải biết vượt lên vấp ngã, cố gắng phấn đấu hết mình mỗi ngày, và quan trọng hơn cả là phải có tình yêu và tình thân làm nơi neo giữ tâm hồn. Ở đó cũng có những bà mẹ với những bí mật chôn sâu, cũng từng lầm lỡ, cũng từng đớn đau, thất bại.

Cuốn tiểu thuyết Ngoài kia dông bão, lòng mẹ bình yên đã được chuyển thể thành phim dưới tên gọi Boomerang Family vào năm 2013, dù kết cục của cuốn sách và bộ phim có ít nhiều khác biệt.

Tác giả của cuốn tiểu thuyết Cheon Myeong Kwan khởi đầu bằng nghề biên kịch, song sự nghiệp của ông không suôn sẻ khi một số bộ phim bị đình chỉ sản xuất. Cheon quay sang viết văn. Sau khi đạt danh hiệu “Tác giả mới tiêu biểu” do NXB Munhakdongnae trao tặng năm 2003 với tác phẩm Frank & I, ông bắt đầu tích cực sáng tác. Năm 2004, với tiểu thuyết Whale, Cheon Myeong Kwan tiếp tục gây ấn tượng và giành giải “Tác phẩm xuất sắc” trong cuộc thi “Tìm kiếm tác phẩm lần thứ 10” do NXB Munhakdongnae tổ chức.

Blog sothich.net- Nguyễn Thị Việt Hà 
Đọc thêm:
Cây táo yêu thương cuốn sách thiếu nhi cực kỳ cảm động
Nhật ký mẹ chồng tiểu thuyết thú vị dành cho những người làm vợ, làm mẹ!

Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét