Tiểu thuyết tâm lý Agatha được dịch ra 23 ngôn ngữ trên thế giới

Dư âm của cuốn sách “Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý” khiến tôi ngay lập tức chú ý đến cuốn tiểu thuyết tâm lý Agatha của tác giả kiêm nhà tâm lý học Anna Cathrine Bomann trong vài đầu sách được một người bạn yêu mến gửi tặng. Tác phẩm cũng hấp dẫn tôi bởi dòng chữ nhỏ màu trắng in ngay dưới tên tác giả “Tiểu thuyết tâm lý được dịch ra 23 ngôn ngữ trên toàn thế giới”.

Dày khoảng 200 trang với cỡ chữ vừa phải, được trình bày thoáng gọn, Agatha là cuốn tiểu thuyết tâm lý mà độc giả có thể đọc nhanh trong một buổi, thậm chí chỉ trong vòng một, hai giờ đồng hồ. Tuy nhiên, cách viết ngắn gọn của tác giả có thể khiến độc giả phải lật giở và đọc lại một số chương để tự suy diễn quá trình phát triển tâm lý và đời sống của nhân vật.


Agatha bắt đầu với cuộc sống và công việc của một bác sĩ trị liệu tâm lý giấu tên 72 tuổi đang chuẩn bị cho việc nghỉ hưu sau năm tháng nữa. Mặc dù được đánh giá là một bác sĩ giỏi chuyên môn, có tiếng tăm (bằng chứng là lịch làm việc của ông luôn kín, và luôn có bệnh nhân tìm đến muốn được ông trị liệu tâm lý) tuy nhiên, sự hờ hững với công việc khiến độc giả ít nhiều nghi ngờ về sự tận tâm của ông với các bệnh nhân, công việc của mình.

Năm tháng trước khi nghỉ hưu được vị bác sĩ quy đổi tương đương với 800 phiên điều trị và ông đang đếm ngược từng phiên cho đến ngày nghỉ hưu của mình. Trong những buổi điều trị, khi bệnh nhân thả mình trên chiếc ghế sô-pha, chia sẻ những suy nghĩ và các vấn đề nhàm chán của mình, thì vị bác sĩ ngồi ở chiếc bàn phía đỉnh đầu họ, ậm ừ những từ đơn điệu để chứng tỏ mình đang lắng nghe; nhưng thực tế thì ông tập trung vào việc vẽ những bức tranh biếm họa về chim chóc.

Qua từng trang sách và những bộc bạch, đời sống của ông dần hiện lên trước mắt độc giả. Đó là một bác sĩ tâm thần ngoài 70 tuổi, không có gia đình, người thân, sống một mình trong ngôi nhà từ thời thơ ấu. Ông cũng không có bạn bè, hay bất cứ mối quan hệ xã hội nào. Những tiếng động và những bản nhạc quen thuộc của người hàng xóm sát vách mang lại cho ông sự thoải mái, nhưng ông chưa bao giờ nói chuyện với ông ấy. Với người thư ký, Madame Surrugue, người đã làm việc cùng ông hơn ba mươi năm, ông cũng không giao tiếp gì hơn ngoài những câu trò chuyện ngắn ngủi.

Khi bệnh nhân Brié nói với ông: “Một người có thể biến thành một sinh vật hết sức nhỏ bé nếu không ai quan tâm đến anh ta. Đôi khi tôi tự hỏi liệu một sinh vật như vậy có phải là một con người hay không nữa ” vị bác sĩ nhận ra rằng “phần thưởng” mà ông nghĩ rằng mình sẽ có được khi nghỉ hưu chỉ là một ảo tưởng. Với cơ thể ngày càng có nhiều biểu hiện rệu rã của tuổi già, cuộc sống của ông sẽ không còn ý nghĩa khi ông ngừng làm công việc của mình, và ông không còn gì để mong đợi ngoài sự suy sụp, cô đơn, sợ hãi, và cái chết.

Nhưng mọi việc bắt đầu thay đổi khi người thư ký có phần ngang bướng dù biết ông sắp nghỉ hưu, nhưng vẫn cố thêm vào danh sách điều trị của ông bệnh nhân Agatha Zimmermann, một phụ nữ trẻ người Đức mắc chứng hưng cảm nghiêm trọng sau một lần tự sát không thành vài năm trước đó; rồi chính bản thân người thư ký cũng phải xin nghỉ phép dài ngày để chăm sóc người chồng mắc bạo bệnh đang cận kề cái chết.


Tác giả Anna Cathrine Bomann và bìa sách tiếng Anh

Tác giả Anna Cathrine Bomann và bìa sách tiếng Anh (Ảnh int)

Hành trình chữa trị tổn thương cho bệnh nhân trẻ có vẻ ngoài mỏng manh nhưng ẩn sâu lại là một người phụ nữ mạnh mẽ và hấp dẫn là một quá trình soi chiếu, trị liệu cùng nhau của cả vị bác sĩ lẫn người bệnh, buộc vị bác sĩ phải đối mặt với nỗi sợ hãi về sự thân mật, những kết nối thực sự bên ngoài phòng khám, về ý nghĩa của công việc và cuộc sống ở độ tuổi xế chiều.

Người phụ nữ từng có lần tự sát không thành, đã có thời gian dài điều trị trong bệnh viện tâm thần, luôn có mong muốn làm bản thân biến dạng để không ai có thể nhận ra mình, cô tìm đến bác sĩ không với mong muốn khỏi bệnh mà chỉ đơn thuần là tìm lại được khát vọng sống, cuối cùng cũng có thể nói ra nỗi đau từng bị người cha ruột lạm dụng một cách tinh vi thưở còn thơ bé để bước tiếp.

Vị bác sĩ cuối cùng cũng có lần đầu tiên bước vào cửa hàng bán đồ làm bánh, mua nguyên liệu, hỏi công thức làm một chiếc bánh táo để gửi tặng người hàng xóm câm điếc bao lâu nay vẫn chơi đàn cho ông nghe, và hơn thế ông không còn đếm các phiên trị liệu để chờ tới ngày về hưu nữa.

Tiểu thuyết tâm lý Agatha một lần nữa lại nhắc tôi nhớ đến cuốn sách cũng có thể coi là một tiểu thuyết tâm lý hiện thực “Có lẽ bạn nên gặp bác sĩ tâm lý”, ở đó thông qua việc chia sẻ quá trình trị liệu của các bệnh nhân tiêu biểu cũng như chính bản thân mình tác giả đồng thời cũng là nhà trị liệu tâm lý Lori Gottlieb đã gửi đến độc giả nhiều thông điệp: bất ổn về tâm lý có thể xảy ra với bất kỳ ai kể cả những nhà trị liệu tâm lý, và trị liệu tâm lý thực sự là một quá trình hai chiều. 

Lori Gottlieb viết: “Một nhà trị liệu sẽ là chiếc gương soi chiếu cho bệnh nhân, nhưng bệnh nhân cũng có thể là chiếc gương soi chiếu cho các nhà trị liệu… Mỗi ngày, bệnh nhân lại đặt ra những câu hỏi khiến bản thân chúng tôi phải suy ngẫm. Nếu họ có thể hiểu bản thân rõ hơn qua ảnh phản chiếu của chúng tôi, chúng tôi cũng có thể hiểu chính mình rõ hơn qua ảnh phản chiếu của họ. Điều này xảy ra với các nhà trị liệu khi chúng tôi thực hành trị liệu cho bệnh nhân, đồng thời nó cũng xảy ra với các nhà trị liệu của chính chúng tôi. Chúng ta là những tấm gương phản chiếu, chỉ cho nhau thấy những gì chúng ta chưa nhìn ra… Và cuối cùng nhà trị liệu sẽ cùng bệnh nhân vượt qua nỗi đau buồn, cũng là ngục tù tự giam hãm chính mình.

Một số phiên bản tiểu thuyết Agatha

Một số phiên bản tiểu thuyết Agatha. Ảnh: GA

Kết thúc tươi sáng nhưng cũng đầy tính mở của tiểu thuyết tâm lý Agatha mang đến sự nhẹ nhõm cho người đọc, đồng thời nó cũng gợi nên câu hỏi và sự chú ý về tầm quan trọng của những mối liên kết thực sự giữa con người với con người trong đời sống xã hội. Hãy nhìn chính vị bác sĩ tâm thần kia, ông có thể giàu có (lịch làm việc của ông kín đặc và mỗi giờ làm việc ông kiếm được một khoản tiền không nhỏ), nhưng ở tuổi xế chiều, không người thân, không bạn bè, trong cơ thể bắt đầu tàn tạ của tuổi già, ông phát hiện chờ đợi ông ở phía trước chỉ là sự suy sụp, cô đơn, sợ hãi, và cái chết.

Rất may cuối cùng ông bác sĩ ấy đã nhận ra điều đó và thay đổi. Còn sự thay đổi ấy có kịp không, câu hỏi ấy dành cho mỗi độc giả tự suy ngẫm và cuối cùng soi chiếu vào chính cuộc đời mình. Đây có lẽ cũng chính là lý do khiến cuốn tiểu thuyết tâm lý Agatha dù vẫn nhận được nhiều lời phê bình về sự vắn tắt trong miêu tả tâm lý nhân vật, nhưng cuối cùng nó vẫn được truyền miệng và trở thành tiểu thuyết tâm lý được yêu thích và được dịch ra 23 thứ tiếng trên toàn thế giới.

P/S: Thói quen của một người làm truyền thông sách khiến tôi lập tức vào Google tìm kiếm thông tin về cuốn tiểu thuyết, nhưng có lẽ cũng giống như nhiều cuốn sách hay khác được xuất bản tại VN, tôi hầu như không tìm được thông tin gì đáng kể về tác phẩm. Tìm cụm từ “tiểu thuyết Agatha”, “sách Agatha” “truyện Agatha” (những cụm từ mà độc giả thường tìm kiếm nhất), thông tin tôi được trả lại chỉ là thông tin về tác giả truyện trinh thám nổi tiếng thế giới Agatha Christie. Và sau khi đọc tác phẩm, tôi cho là cuốn tiểu thuyết này nếu có thể đặt tên tiếng Việt khác biệt đôi chút so với tên gốc, ví dụ đặt tên là “Bệnh nhân Agatha”, thì có lẽ sẽ tạo được điểm nhấn tốt hơn trong bối cảnh nó có rất ít cơ hội được truyền thông, giới thiệu tới độc giả.

Việt Hà - Chuyên viên truyền thông & Blogger điểm sách
Nếu bạn thích bài viết này, hãy chia sẻ nhé. Cảm ơn bạn nhiều!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét